Tăng cường kiểm soát chăn nuôi gia súc, gia cầm

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang bổ sung đàn vật nuôi nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Bởi vậy, việc tăng cường quản lý gia súc, gia cầm và tiêm phòng bổ sung là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững.

Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang thu mua con giống về chăn nuôi để kịp thời cung ứng cho thị trường và phục vụ gia đình. Từ nuôi trang trại đến chăn nuôi nông hộ ở khắp các vùng miền, số lượng gia súc, gia cầm dần tăng cao.

Theo số liệu từ ngành chức năng, trước thời điểm tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 (tháng 8/2015), toàn tỉnh có 203.910 con trâu, bò, 347.334 con lợn và 6 triệu gia cầm, nhưng đến nay, với số lượng bổ sung, tổng đàn đã tăng gấp 2 lần. Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Vào thời điểm cuối năm, giá cả tăng cao, đây là dịp để người dân đầu tư mạnh vào chăn nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

Tăng cường kiểm soát chăn nuôi gia súc, gia cầm ảnh 1

Gia cầm cần được tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa dịch bệnh.

Bổ sung đàn gia súc, gia cầm đồng nghĩa với việc vận chuyển con giống trên địa bàn cũng tăng theo nhu cầu. Vì vậy, công tác kiểm soát vận chuyển con giống vào ra trên địa bàn cũng cần được tăng cường, nhất là hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc, cúm gia cầm trong và ngoài tỉnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhận thức của người chăn nuôi còn hạn chế...

Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho rằng: Để siết chặt công tác quản lý, Chi cục Thú y chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật ở TX Hồng Lĩnh tăng cường và giám sát chặt chẽ gia súc, gia cầm ngoài tỉnh vào địa bàn. Theo số liệu của Trạm Kiểm dịch động vật khu vực Hồng Lĩnh, trung bình mỗi tháng, lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh qua QL 1A khoảng 350 chuyến, thời điểm gần tết tăng lên 550 chuyến. Trạm đã tăng người trực gác, kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y ra vào tỉnh. Nếu phát hiện các đối tượng vận chuyển gia súc, gia cầm sống nhập vào địa bàn thì nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời giám sát, quản lý…

Theo Chi cục Thú y tỉnh, để triển khai hiệu quả các giải pháp giám sát gia súc, gia cầm, bên cạnh trách nhiệm của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cấp cơ sở, đặc biệt là cán bộ thú y xã cần tăng cường lực lượng theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn các thủ tục kiểm dịch trên địa bàn.

Theo đó, con giống nhập từ ngoại tỉnh về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm để chăn nuôi, làm giống do cơ quan chuyên môn nơi đó cấp. Con giống có nguồn gốc từ các huyện trong tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển do trạm thú y huyện cấp. Đối với con giống có nguồn gốc từ các xã trong huyện thì phải có giấy chứng nhận tiêm phòng các bệnh theo quy định đang còn hiệu lực.

Một giải pháp quan trọng nữa để quản lý dịch bệnh ở thời điểm nhạy cảm này là tập trung tiêm phòng bổ sung. Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Hầu như dịch bệnh trong thời gian qua đều xẩy ra trên đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng đầy đủ. Những địa phương nào có tỷ lệ tiêm phòng đạt cao thì dịch bệnh sẽ ít xẩy ra. Hiện nay, ngành đã chủ động dự trữ đầy đủ các loại vắc-xin, khi các địa phương có nhu cầu sẽ cung ứng kịp thời. Thời gian tới, các ngành liên quan cùng với các tổ chức chính trị và chính quyền cơ sở cần tăng cường quản lý, đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y tiêm phòng bổ sung đầy đủ, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast