Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Khi đến với nông thôn Hà Tĩnh, một trong những mục tiêu lớn nhất của dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh (CIDA) chính là tăng khả năng cạnh tranh cho một số lĩnh vực chủ chốt. Việc sàng lọc, tuyển chọn nhóm giống lúa chất lượng để bổ sung với cơ cấu bộ giống vùng hưởng lợi là cách cải thiện chất lượng đời sống cũng như nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp một cách trực tiếp nhất…

Sau thành công mà những mô hình sản xuất lúa trước đó mang lại, vụ hè thu 2013, Tiểu BQL dự án CIDA tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục “thử sức” mô hình sản xuất thử giống lúa chất lượng Trân Châu Hương tại xóm Đồng Vịnh, xã Đức Long (Đức Thọ).

Mô hình giống lúa Trân Châu Hương 10 ha tại xóm Đồng Vịnh, Đức Long
Mô hình giống lúa Trân Châu Hương 10 ha tại xóm Đồng Vịnh, Đức Long

Với 10 ha liền vùng, liền thửa, mô hình được dự án đầu tư với tổng kinh phí là 258, 45 triệu đồng (trong đó nguồn CIDA hỗ trợ là 155,9 triệu đồng, còn lại là phần đối ứng của người dân). Cụ thể, người dân được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và thuốc BVTV. Ngoài vật tư, phân bón, Tiểu BQL dự án còn chịu trách nhiệm chính trong việc tập huấn quy trình sản xuất cũng như giám sát kỹ thuật tại vùng dự án.

Hôm chúng tôi đến, cánh đồng lúa Trân Châu Hương đã cận kề ngày thu hoạch. Điều khác biệt khiến một người khá “mù mờ” về kỹ thuật sản xuất lúa như tôi cũng có thể nhận ra ngay đó là chiều cao cây lúa vượt trội so với các trà lúa còn lại. Chẳng thế mà, ngay từ xa ai cũng nhận ra ngay Trân Châu Hương giữa biển lúa vào mùa thu hoạch. Càng tiến lại, mùi hương dịu ngọt càng nghe đậm đà, lan tỏa; những bông lúa trĩu hạt đan xếp vào nhau dày khít cả cánh đồng.

Cầm bông lúa mây mẩy vàng trên tay, anh Trần Hữu Số vẫn chưa hết hồi hộp. Không lo lắng sao được, đây là lần đầu tiên bà con canh tác loại giống này, anh lại là người “đứng mũi chịu sào”. “Dù là vùng chuyên canh lúa của Đức Thọ nhưng tiếp cận loại giống mới Trân Châu Hương chúng tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn. Nhờ có sự hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên của cán bộ khuyến nông thuộc dự án, bây giờ chúng tôi đã có kiến thức cần thiết để đảm bảo quy trình sản xuất nghiêm ngặt của giống. Không chỉ nổi trội về năng suất, Trân Châu Hương còn ít sâu bệnh, do vậy tiết kiệm được chi phí đáng kể thuốc BVTV”, anh Số bảo.

Niềm hân hoan này cũng đến với tất cả 70 hộ dân tham gia dự án. Bác Hoàng Huy Lượng, xóm Đồng Vịnh cho biết: “Phần diện tích 6 sào này, các vụ trước tôi sản xuất KD 18, giỏi lắm năng suất cũng chỉ đạt 1,5- 1,7 tạ/sào. Vụ này, dù là lần đầu tiên làm Trân Châu Hương nhưng tôi khá hài lòng vì giống dễ làm, đầu tư vừa phải. Nhất là sau đợt mưa lớn, lúa ngập trắng đồng, vậy ngay sau đó lúa Trân Châu Hương “vực” dậy, phát triển tốt nên tôi rất yên tâm. Theo kinh nghiệm của tôi thì năng suất có thể đạt 2,5 tạ/sào”.

Thực chất, Trân Châu Hương đã “đặt chân” đến Hà Tĩnh từ vài mùa sản xuất trước và chiếm được cảm tình của không ít bà con nông dân. Đây là giống lúa thuần chất lượng cao do Công ty CP Giống cây trồng trung ương chọn tạo. Thuộc vào nhóm cảm ôn nên loại giống này có thể canh tác ở cả hai vụ sản xuất chính trong năm: vụ xuân và hè thu. Đặc biệt, thời gian sinh trưởng ngắn ngày (125- 130 ngày trong vụ xuân và 105- 110 ở vụ hè thu), ít sâu bệnh, chống chịu ngoại cảnh tốt, chất lượng gạo ngon, giống lúa khá phù hợp với cơ cấu sản xuất của tỉnh ta hiện nay. Riêng tại xã Đức Long, mô hình sản xuất thử này có thể cho năng suất 50 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng HT1 đến 40 kg/sào.

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy trình IPM, ICM nên làm cho cây sinh trưởng khỏe, dễ phòng trừ sâu bệnh, do vậy giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân. Tính ra, giống cho thu lãi khoảng 16,2 triệu đồng/ha, vượt xa giống cũ HT1.

Ông Phan Thanh Nam, phụ trách Tiểu BQL dự án tại Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Điều quan trọng nhất là thông qua mô hình bà con có thể nắm vững kỹ thuật về sản xuất lúa hiện đại, dần thay đổi nhận thức, tập quán từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô lớn, tập trung. Từ đó, biết sử dụng hài hòa giữa giống, quy trình canh tác, bón phân và sử dụng thuốc BVTV để giảm thiết ít nhất ô nhiễm môi trường, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững. Đó là mục tiêu mà dự án muốn hướng đến, nhằm cải thiện sức cạnh tranh cho sản phẩm của vùng hưởng lợi”.

Không dừng lại mô hình, Tiểu BQL dự án sẽ tiếp tục khẳng định những tính năng ưu việt của giống Trân Châu Hương trên đồng đất Hà Tĩnh. Có thể một tương lai không xa, đây sẽ là một trong những loại giống chủ lực của tỉnh, thay thế những “tượng đài” Khang dân 18, HT1, góp phần lọc tuyển bộ giống lúa chất lượng cho tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast