Tổ đoàn kết sản xuất trên biển - Điểm tựa vươn khơi

Những năm gần đây, nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh ta có sự phát triển đáng kể. Cùng với sự phát triển của các phương tiện đánh bắt, việc đầu tư khai thác theo hướng mở rộng ngư trường ra vùng khơi, vùng xa cũng được đẩy mạnh. Theo đó, việc hình thành và phát triển mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển là một yêu cầu tất yếu để hoạt động nghề cá đảm bảo được an toàn, hiệu quả bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, hiện số lượng tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản trên biển của tỉnh có 3.853 chiếc, trong đó có gần 1.000 phương tiện tham gia đánh bắt xa bờ. Hoạt động khai thác xa bờ phát triển đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất và sản lượng đánh bắt hải sản. Những năm gần đây, sản lượng đánh bắt bình quân của tỉnh đạt 22.000 tấn/năm với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Trước tình trạng hàng năm, ngư dân đánh bắt trên biển thường gặp các sự cố như: hỏng hóc máy móc, phương tiện, đối mặt với lốc bão và các tình huống xấu khác, dẫn đến bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, bà con đã dần hình thành cho mình những mô hình sản xuất tập thể tương trợ nhau trên biển một cách tự phát gồm những người thân như: cha mẹ, anh em trong gia đình, dòng tộc, bà con thân thích, tự nguyện liên kết lại và cùng tổ chức ra khơi khai thác hải sản dài ngày.

Tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày và khai thác đạt hiệu quả cao hơnđánh bắt riêng lẻ

Tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày và khai thác đạt hiệu quả cao hơnđánh bắt riêng lẻ

Mặc dù còn sơ khai nhưng các mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Cùng đó, việc liên kết sản xuất đã giúp ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày, giảm tiêu hao nhiên liệu, khai thác đạt hiệu quả cao hơn kiểu đánh bắt riêng lẻ. Tuy nhiên, việc liên kết này, với tính chất tự phát, các thành viên hoạt động không có quy chế, qui định rõ ràng, không có tổ chức chặt chẽ nên thiếu bền vững và hiệu quả chưa cao.

Hoạt động sản xuất theo mô hình tập thể trên biển của tỉnh chính thức được hình thành một cách có tổ chức khi có Thông tư số 04, hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Theo đó, Hà Tĩnh có 5 tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển đã ra đời tại xã Thạch Kim (Lộc Hà).

Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, với sự định hướng sát sao của chính quyền địa phương, các tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả vai trò và năng lực của hình thức liên kết sản xuất tập thể.

Nhìn chung, các tổ hợp tác đã thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước; định hướng của ngành thủy sản và địa phương về xây dựng, phát triển nghề khai thác theo hướng hiện đại; bảo vệ nguồn lợi hải sản; bảo hộ an toàn lao động; đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển; hỗ trợ nhau về kinh nghiệm trong đánh bắt và khai thác, trong phòng chống thiên tai, hoạn nạn trên biển.

Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi thông tin về ngư trường, về thị trường tiêu thụ, kịp thời khai thác các luồng cá tập trung; đặc biệt, một số tổ đã bắt đầu hình thành việc phân công tàu thuyền chuyên làm công tác hậu cần, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm… Nhờ đó, đã giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi xảy ra sự cố trên biển… Song do gặp nhiều khó khăn, trong những năm từ 2007 - 2010, các địa phương khác trong tỉnh không tiếp tục thành lập được thêm các tổ hợp sản xuất.

Ngư dân xã Kỳ Khang (Kỳ Anh) sau một chuyến ra khơi

Ngư dân xã Kỳ Khang (Kỳ Anh) sau một chuyến ra khơi

Năm 2011, cơ hội mở ra cho phát triển các tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển trên địa bàn toàn tỉnh, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 24 về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015.

Với sự hỗ trợ tích cực từ chính sách này, hàng loạt tổ hợp tác đã ra đời và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đến nay, chỉ sau gần 2 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quyết định 24, toàn tỉnh đã có 47 tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển.

Các xã thành lập được nhiều tổ nhất là: Cẩm Nhượng 17 tổ; Cẩm Lĩnh 10 tổ; Thạch Bằng 8 tổ; Thạch Kim 7 tổ… Trong đó, xã Thạch Kim, nhờ triển khai sớm việc thành lập nên các tổ đoàn kết sản xuất trên biển hoạt động quy củ và hiệu quả cao nhất.

Ông Biện Văn Cường - Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: Trước tình hình phức tạp khi đánh bắt trên biển, việc thành lập tổ đoàn kết sản xuất trên biển là một xu hướng tất yếu để đảm bảo an toàn và hiệu quả quá trình khai thác. Vì vậy, bên cạnh sớm đề ra chủ trương và kế hoạch thành lập các tổ hợp tác, xã đã đề ra các chính sách phù hợp hỗ trợ cho bà con...

Mặc dù hiện tại, số lượng tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển của xã chưa nhiều, nhưng các tổ đều hoạt động rất hiệu quả. Hiện xã sẽ không tiếp tục chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác nữa mà trên cơ sở từ hoạt động tổ hợp tác, xã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Nghiệp đoàn nghề cá để bảo vệ quyền lợi của ngư dân một cách toàn diện và hiệu quả cao hơn.

Mặc dù triển khai khá muộn, nhưng xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) lại phát triển khá nhanh số tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển. Sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 24 của UBND tỉnh, xã đã thành lập được 17 tổ hợp tác. Hoạt động của các tổ bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt.

Theo Chủ tịch Hội nông dân xã, lâu nay nhu cầu thành lập các tổ đội sản xuất theo hình thức tập thể trên biển của bà con là rất lớn. Vì vậy khi triển khai chủ trương thành lập tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển, bà con đặc biệt quan tâm và phấn khởi tự nguyện tham gia.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là, việc tiếp cận nguồn vốn rất hạn hẹp nên khó đầu tư cho nâng cấp phương tiện và đầu tư ngư cụ nên rất nhiều ngư dân không đủ điều kiện để mở rộng ngư trường và như vậy, khó tham gia được vào các tổ hợp tác sản xuất.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngư dân là việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngư dân là việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

Gặp ông Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Lâm Hoãn (Cẩm Nhượng) sau chuyến đi biển dài ngày về, ông phấn khởi cho biết: Trước đây, khi chưa có tổ hợp tác, tàu của ông cũng như bà con trong xã ít khi dám ra khơi xa, đặc biệt là vào mùa biển động. Từ khi tham gia tổ hợp tác với 6 thành viên, các ông hoàn toàn yên tâm bám biển dài ngày tại các vùng khơi xa, vì vậy năng suất và sản lượng đánh bắt tăng cao hơn nhiều. Qua những ngày lênh đênh trên biển, nếu không có sự hỗ trợ thường xuyên và kịp thời của các thành viên thì sẽ khó vượt qua được những gian nan luôn rình rập.

Như vậy, với tiềm năng về kinh tế biển như tỉnh ta, bên cạnh thực hiện các chủ trương, chính sách lớn về khai thác, đánh bắt trên biển, việc thành lập các tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển, tiến tới thành lập nghiệp đoàn nghề cá là một chủ trương đúng đắn và đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài tác dụng tương trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho ngư dân, việc sản xuất có tổ chức trên biển góp phần phát triển một bước về trình độ tổ chức sản xuất; nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ tiềm năng kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast