Trước thềm vụ xuân 2014: Dồi dào nguồn giống và phân bón

(Baohatinh.vn) - Thời điểm xuống giống cho các trà lúa chủ lực trong vụ xuân đã cận kề. Mặc dù sức mua vật tư, phân bón của người nông dân còn ít, song, đây là thời điểm sôi động nhất của các đơn vị cung ứng để tập kết và phân bổ nguồn hàng. Theo những nhà kinh doanh, thị trường vật tư vụ xuân 2014 khá ổn định, sẽ là tín hiệu vui cho bà con nông dân để đầu tư cho vụ chính nhất trong năm…

Vụ xuân 2014, cả nguồn hỗ trợ và nguồn kinh doanh, dòng giống chất lượng chiếm ưu thế chủ đạo.
Vụ xuân 2014, cả nguồn hỗ trợ và nguồn kinh doanh, dòng giống chất lượng chiếm ưu thế chủ đạo.

Một trong những đầu mối cung ứng phân bón lớn nhất tỉnh, Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Hà Tĩnh thường “vào mùa” kinh doanh từ mấy tháng trước khi thời vụ xuống giống bắt đầu. Mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường trong tỉnh khoảng 20 nghìn tấn phân bón các loại, trong đó, vụ xuân chiếm số lượng lớn. Ông Võ Thanh Hải - Giám đốc Công ty cho biết: “Trước vụ xuân 2014, trong kho còn khoảng 3.000 tấn dự trữ, hiện 2 tàu hàng đang chuẩn bị cập cảng Bến Thủy, đủ số lượng phân bón cung ứng cho thị trường Hà Tĩnh. Theo kế hoạch, năm nay, chúng tôi sẽ nhập khoảng 15-18 loại phân bón, trong đó, chú trọng các loại chất lượng cao, phù hợp với từng loại cây trồng của tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty đã tập kết về kho trên 5 tấn giống lúa các loại: BTE1, Gia lộc 102 và P6”.

Cũng theo ông Hải, vài năm lại đây, người dân ưa dùng phân bón cân đối cho đồng ruộng thay vì bón lẻ như trước đây. Đón đầu xu hướng mới, đơn vị chú trọng vào loại NPK cân đối như: NPK Việt Nhật 16-16-8 TE; NPK Việt Nhật 16-12-8; NPK Việt Nhật 10-18-13 TE…

Không kém phần sôi động, Chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng T.Ư miền Trung cũng tấp nập xe hàng vào ra. Vào thời điểm này, các loại giống đã được chuyển về các đại lý bán lẻ để kịp thời phục vụ bà con nông dân khi mùa vụ tới. Vụ xuân này, kể cả nguồn hỗ trợ quốc gia, Công ty CP Giống cây trồng T.Ư cung ứng vào thị trường Hà Tĩnh hơn 1.000 tấn giống lúa, rau, ngô các loại. Riêng, Chi nhánh miền Trung đã xuất kho 300 tấn qua kênh kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Lý - Giám đốc Chi nhánh miền Trung cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng chuẩn bị nguồn cung từ rất sớm, nhằm tránh tình trạng khan hiếm giống vào chính vụ và đảm bảo ổn định giá các mặt hàng. Điều đặc biệt là, không chỉ qua kênh kinh doanh, nguồn giống hỗ trợ cũng chú trọng vào tập đoàn giống chất lượng, phù hợp với cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh như: RVT, nhị ưu 838, HT1, VS1, bắc thơm số 7 và Xi 23; ngô HN88, nếp lai F1, HN45…”.

Hiện nay, bà con có xu hướng sử dụng phân bón cân đối thay phân bón lẻ cho đồng ruộng.
Hiện nay, bà con có xu hướng sử dụng phân bón cân đối thay phân bón lẻ cho đồng ruộng.

Theo ngành chuyên môn, đồng ruộng vụ xuân cần xấp xỉ 50 nghìn tấn phân bón cho hơn 54 nghìn ha lúa. Hiện nay, các “đại gia” cung ứng như: Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn giữ thị phần chủ đạo với các thương hiệu nổi tiếng như: Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty Phân bón Việt - Nhật, Công ty Phân bón miền Nam. Mặt khác, trước mỗi vụ sản xuất, cơ quan chuyên ngành Sở NN&PTNT đều thực hiện thanh, kiểm tra các điều kiện kinh doanh, chất lượng phân bón, giống và bán theo giá niêm yết của đơn vị SXKD. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng nguồn cung, tỷ lệ phân bón giả, kém chất lượng chỉ tồn tại ở nguồn tiểu ngạch.

Hiện đang là thời điểm thích hợp nhất để bà con chuẩn bị vật tư cho mùa vụ tới. Tuy nhiên, dù giá cả khá “dễ chịu”, nguồn cung dồi dào thì sức mua của người dân ở thời điểm này vẫn khá trầm lắng. Thực tế, điều này xuất phát từ tâm lý, tập quán canh tác của địa phương, người nông dân chưa có thói quen chuẩn bị từ đầu vụ mà thường đợi đến thời vụ xuống giống. Tất nhiên, sự lựa chọn này sẽ chia quãng tiền đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho người nông dân vào đầu vụ, song đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các mặt hàng bị đẩy giá khi nguồn cung khan hiếm.

Có ít nhất vài ba trăm tấn giống, phân bón đã được nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký mua mới ở các đơn vị cung ứng. Con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh khi càng tới gần thời vụ. Dẫu vậy, so với nhu cầu sản xuất thì lượng tiêu thụ vẫn chưa đáng kể, mặc dù chủ trương cơ cấu lại bộ giống lúa, hướng đến sản xuất lúa gạo hàng hóa đã thực hiện mấy năm nay. Nhất là nông sản liên tục mất giá trong một thời gian dài, nông dân bỏ ruộng hoặc phần nhiều vẫn tự để giống để sản xuất, số mua mới thường nằm trong mô hình được hỗ trợ hoặc với mục đích tự nhân giống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast