“Vắt chân”... với vụ hè thu

(Baohatinh.vn) - Khi lúa xuân đã chất đầy bồ cũng là lúc bà con nông dân bắt tay vào mùa vụ mới. Khoảng 1 tuần nữa, thời vụ gieo cấy lúa hè thu sẽ kết thúc, khắp nơi, không khí lao động dồn dập, khẩn trương như “vắt chân lên cổ” chạy đua với thời gian cho mùa vụ ngắn ngủi này…

Bà con nông dân xã Ích Hậu (Lộc Hà) làm đất gieo mạ hè thu 2014.
Bà con nông dân xã Ích Hậu (Lộc Hà) làm đất gieo mạ hè thu 2014.

Chỉ vẻn vẹn 90 ngày sản xuất, mặc dù năm nay, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) hoàn thành thu hoạch lúa vụ xuân vào loại sớm nhất huyện (22 - 24/5), vậy mà, bà con nông dân vẫn như “ngồi trên đống lửa” khi chuẩn bị sản xuất vụ hè thu. Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Trung Trạm) cho biết: “Thuận lợi là cả xã sản xuất đồng nhất một loại giống nên thu hoạch gần như cùng một lúc. Máy vào 3-4 hôm là xong hết, gia đình tôi làm hơn mẫu ruộng mà chỉ gặt trong 2 ngày. Chẳng nghỉ ngày nào, tôi tiếp tục thuê máy cày ải làm đất sớm chủ động chờ nước về”. Hôm chúng tôi đến, chị đã ngâm ủ giống đủ ngày theo kế hoạch của xã.

Làm ngày không đủ, bà con tranh thủ làm đêm. Cả tháng nay, đồng ruộng luôn rộn ràng trong ánh đèn sáng rực của những con “trâu sắt” ầm ù như không hề biết mệt; hay ánh đèn loang loáng của chiếc đèn bão hắt ra từ mấy cái máy lồng đang “bình bịch” cày đất. Những ông chủ máy gặt đập liên hợp, máy lồng vì thế mà chạy không xuể nhu cầu. Ông Trần Quốc Thân, chủ máy cày lồng đất ở Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Mấy ngày nay, máy nhà tôi phục vụ liên tục, bình quân trên 10 tiếng mỗi ngày, không kể trưa tối mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con”.

Còn ở Đức Thọ, hình ảnh người đi cấy “sáng trăng” đã trở nên quen thuộc. Không rõ mặt người, chỉ nghe tiếng hát, tiếng nói cười của người nông dân đi cấy chạy đuổi vụ hè thu. Đến thời điểm này, toàn huyện đã cấy gần 1/3 diện tích (trong tổng số 4.500 ha), dự kiến trước 10/6, Đức Thọ sẽ hoàn thành cấy hè thu.

Chị Võ Thị Ánh (thôn Trung Tiến, Trung Lễ) chia sẻ: “2-3h sáng là cả xóm lục đục kéo nhau ra đồng, vui lắm. Tranh thủ mọi thời gian, mạ đủ tuổi là tập trung nhân lực cấy sớm, đến lúc nắng lên là bà con lại lên bờ về phơi lúa, phơi rơm. Được cái, nhờ bắc mạ chân ruộng mà rút ngắn được thời gian làm hè thu”.

Trời vừa nắng lưng, người hối hả phơi rơm, phơi lúa, cố gắng hoàn tất nốt chặng cuối thu hoạch lúa xuân; người tấp nập ra đồng làm đất, lấy nước về ruộng hè thu.

Chọn kỳ bắc mạ hè thu vào cuối khung lịch, Lộc Hà, Can Lộc “chậm” chân trong cuộc chạy đua thời vụ. Nguyên nhân chính là do bà con thu hoạch lúa xuân muộn đã “lấn sân” sang vụ hè thu. Thế nên, ngay khi có nước về, người, máy móc tập trung “đổ bộ” ra đồng. Trên cánh đồng mạ xã Ích Hậu (Lộc Hà), có đến cả trăm người làm việc, người cập rập cào đất làm luống, người gieo mạ còn kịp ngày cấy lúa. Còn nhiều địa phương ở Can Lộc, lúa xuân chưa chín hẳn cũng được bà con thu hoạch về nhà, nhường đất cho hè thu.

Ông Nguyễn Văn Nuôi (thôn Phúc Giang, Tùng Lộc) cho biết: “Vì lúa chết rét phải làm lại nên kỳ thu hoạch đến chậm hơn mọi năm. Sào ruộng này chưa kịp chín cũng phải gặt về, không khẩn trương thì vụ hè thu không kịp”.

Đối với những vùng chậm trễ thời vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị khẩn trương tập trung lực lượng thu hoạch gọn lúa xuân, kể cả những diện tích chưa chín hẳn; giải phóng ruộng, đưa nước vào đẩy nhanh tiến độ làm đất. Trong lúc cấp thiết này, chấp nhận cấy mạ non (12 ngày thay cho 20 ngày như quy trình), quyết tâm trước 10/6, toàn tỉnh phải hoàn thành gieo cấy lúa hè thu.

“Cái khó bó cái khôn”, mặc dù nhiều địa phương nước đã đổ về nhưng nguyên tắc “xa trước, gần sau” gần như bị phá vỡ khi ý thức chia sẻ nước chưa được người dân coi trọng. Nhiều diện tích dù đã thu hoạch xong từ lâu nhưng đành “treo” chờ nước khiến cho nỗi lo chậm thời vụ hè thu thêm phần áp lực đối với bà con nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast