Vũ Quang - mùa con ong cho lấy mật

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp xuân hè, người nuôi ong huyện miền núi Vũ Quang lại tất bật với vụ chính trong năm. Mật ong thời điểm này có màu vàng sáng xanh, có khi là nâu sẫm, khác với màu vàng trắng của vụ đông. Mật có vị béo bùi, ngọt mát quyện lẫn cái thơm ngậy đặc trưng của miền sơn cước...

Độc đáo nghề nuôi ong

Tạo hóa đã ưu ái dành tặng vùng đất Vũ Quang một hệ sinh thái đa đạng, quanh năm cây cối tốt tươi. Nét độc đáo đó khiến cho nghề nuôi ong nơi đây phát triển thuận lợi và thành công hơn so với các địa phương khác.

Vũ Quang - mùa con ong cho lấy mật ảnh 1

Mật ong thời điểm này có màu vàng sáng xanh hoặc nâu sẫm, khác với màu vàng trắng của vụ đông.

Câu chuyện về ong càng say sưa khi chúng tôi tìm gặp bác Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Người mù huyện Vũ Quang, người tiên phong đưa nuôi ong thành một trong những nghề chính của huyện. Bác Dũng cho biết: “Nuôi ong không tốn công chăm sóc, vốn đầu tư ít, chỉ cần có phương pháp kỹ thuật là có thể thu về tiền triệu. Nghề bắt đầu xuất hiện và phổ biến từ những năm thành lập Vườn Quốc gia Vũ Quang”.

Ong khi nuôi được chia làm nhiều tổ, mỗi tổ có 5-10 cầu ong, thông thường duy trì 7 cầu. Toàn huyện hiện có 3.500-4.000 đàn, mỗi đàn dao động từ 2.000-5.000 con.

Trong năm, mật ong được chia làm hai vụ chính tùy theo thời tiết là vụ đông tháng 11, 12 âm lịch và vụ xuân hè (vụ chính) từ tháng 1 - tháng 10 âm lịch. Bác Dũng cho hay: “Thường thì 6 tháng đầu thời tiết khá đẹp, ong sẽ tự tìm thức ăn. Lúc này cứ 20 ngày là có thể khai thác mật. Còn nếu thời tiết xấu, phải cho ăn (đường) thì không được khai thác mật bởi chất lượng không tốt”. Đặc biệt ở tháng 6, 7, cần canh chừng thường xuyên, tránh việc ong nhà bị ong rừng (ong chần) tấn công.

Mật ngon, chất lượng còn phụ thuộc vào quy trình khai thác, đòi hỏi người nuôi phải nắm được kỹ thuật và quan sát. Mật được lấy khi các cầu ong đã vít nắp từ 80% trở lên (hiện tượng đóng nắp ở cầu ong), vít nắp chuyển từ màu vàng sang màu mốc. Mật chỉ ngon khi lấy vào buổi sáng. Có hai cách để lấy mật là cắt vít nắp quay trong thùng ly tâm hoặc cắt vào chậu rồi vắt, lóng bằng tay tổ ong, tùy điều kiện kỹ thuật mà có thể chọn cách hợp lý.

Nuôi ong tuy giản đơn nhưng cần có sự say mê, tỉ mỉ, gắn bó suốt cả quá trình. Ông Lê Mạnh Hà (tổ dân phố 4, thị trấn Vũ Quang) chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi ong từ năm 2014 nhưng hiện nay đã có 16 đàn, cho thu nhập gần 25 triệu đồng với gần 1 tạ mật ong. Đây là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng đối với huyện miền núi nghèo Vũ Quang”.

Đặc trưng sản phẩm

Mật ong Vũ Quang có nét đặc biệt bởi mùi vị và màu sắc độc đáo tùy theo từng vụ trong năm do vùng đất này có nhiều cây, nguồn mật khác với những nơi khác. Theo lý giải của bác Dũng thì đó là sự đa dạng của vườn quốc gia với 424 thảm thực vật, chất đất và khí hậu trong lành giúp cây cối xanh tốt. Tháng 3 và 4, mật rất có giá trị bởi đây là thời điểm hoa sòi đỏ đọt, bạch đàn da liễu, chạc quẹc, ran, móc phát triển. Nhìn chung, mật ong vụ xuân hè có màu vàng sáng xanh, thơm đặc trưng, chất lượng tốt, một đàn có thể cho từ 8-10 kg mật. Ngoài ra, nếu ong lấy mật từ cây thông, keo tai tượng thì mật còn có màu nâu sẫm, không có vị thơm, hay bị ga do tỷ lệ nước cao. Mật ong có nhiều công dụng, vừa làm thuốc, vừa bồi bổ sức khỏe. Chất lượng và đặc trưng riêng của mật Vũ Quang thực sự là nguồn thực phẩm quý cho mọi gia đình.

Vũ Quang - mùa con ong cho lấy mật ảnh 2

Mật ong ngon phụ thuộc nhiều vào quy trình khai thác. Mật được lấy khi các cầu ong đã vít nắp từ 80% trở lên và chuyển từ màu vàng sang màu mốc.

Vũ Quang hiện có 7 HTX nuôi ong đều chung tên gọi là HTX Nuôi ong người khuyết tật mở rộng với 222 người, trong đó có 95 người khuyết tật. Ngoài ra, còn có trên 600 hộ tham gia nuôi. Những năm trước, mật ong thường có tỷ lệ nước cao (23-28%), mật hay bị ga, chua, bồi. Dù được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ từ cuối năm 2013 nhưng phải đến năm 2015, nhờ được đầu tư máy hỗ trợ hạ thị phần, tỷ lệ nước giảm còn 19% mới đạt chuẩn. Cùng với ứng dụng công nghệ, chuyển giao kỹ thuật thì những lớp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm của các trung tâm khoa học, hội, nhóm đang dần giúp mật ong Vũ Quang xây dựng thương hiệu trên thị trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast