Xóa xã “trắng” hợp tác xã

(Baohatinh.vn) - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX đóng vai trò hết sức quan trọng, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, vẫn còn không ít xã trên địa bàn tỉnh chưa thể thành lập HTX kiểu mới.

Thực trạng đáng lo

Theo thống kê từ Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, Nam Hương là địa phương duy nhất của Thạch Hà tính đến thời điểm hiện tại chưa thành lập mới được HTX nào. Qua tìm hiểu được biết, trên thực tế, Nam Hương vẫn có 2 HTX là Tân Sơn và Nam Sơn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Được thành lập cách đây hơn 10 năm, 2 HTX này hiện vẫn hoạt động, trợ giúp bà con không ít trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, do vẫn hoạt động theo hình thức cũ nên không được công nhận là có HTX.

Xóa xã “trắng” hợp tác xã ảnh 1
Xây dựng HTX kiểu mới là yếu tố nền tảng góp phần xây dựng thành công NTM ở mỗi địa phương

Kỳ Nam (Kỳ Anh) lại có một thực trạng khác, HTX kiểu cũ đã giải thể, HTX kiểu mới chưa được xây dựng. HTX Điện Tân Tiến giải thể sau khi bàn giao về Điện lực Kỳ Anh từ năm 2011, nhưng đến nay, Kỳ Nam vẫn chưa xây dựng thêm HTX kinh doanh, dịch vụ nào.

Cũng chung “cảnh ngộ” với Kỳ Nam là các xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh); Hương Quang, Hương Thọ (Vũ Quang); Kỳ Đồng, Kỳ Tây, Kỳ Hợp (Kỳ Anh)… Đây cũng là nguyên nhân khiến các địa phương không thể tách mình khỏi danh sách các xã “trắng” HTX, trở thành trở ngại không nhỏ trong lộ trình về đích NTM.

Số liệu từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tính đến 31/3/2015, toàn tỉnh có 13 xã thuộc 5 huyện “trắng” HTX. Trong đó, Kỳ Anh nhiều nhất với 6 xã.

Dẫu nhận thức được HTX kiểu mới sẽ đem đến sự đổi mới toàn diện về con người, phương thức sản xuất, kinh doanh, các thành viên tự nguyện tham gia và lợi ích thuộc về xã viên; khác với HTX kiểu cũ nặng về bao cấp, trách nhiệm và sự ràng buộc giữa cá nhân - tập thể rất mờ nhạt, xã viên không chú trọng góp vốn nên làm ăn theo kiểu được chăng hay chớ… nhưng theo ông Nguyễn Sỹ Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hương, để chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ, địa phương gặp không ít khó khăn.

Nguyên do vì đâu?

Lý giải nguyên nhân “trắng” HTX, Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng - Lê Trung Liện thừa nhận: Điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, việc tổ chức phát triển kinh tế trong nhân dân chưa thực sự hiệu quả và lan tỏa. Để xảy ra tình trạng này, do chính quyền địa phương đôi lúc còn thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Xóa xã “trắng” hợp tác xã ảnh 2
HTX Diêm Hải (Thạch Bàn) xuất bán sản phẩm tôm nuôi

Phó Chủ tịch UBND xã Hương Quang - Nguyễn Văn Tường cho rằng: Địa bàn dân cư thưa thớt, xã xa trung tâm, do vậy, các dịch vụ khó phát triển. Hơn nữa, địa phương đang thiếu người có thể “đứng mũi chịu sào” để cùng với xã quyết tâm xây dựng HTX kiểu mới.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Trọng Quế đánh giá: Nhận thức của một số cán bộ địa phương về bản chất, giá trị của HTX kiểu mới chưa đầy đủ, thậm chí có lúc sai lệch. Địa phương thiếu quyết tâm, tập trung trong quá trình thực hiện; chưa tiếp cận được nhiều với các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thành lập mới, chuyển đổi HTX còn chậm hoặc mang tính hình thức.

Thực tiễn đã khẳng định kinh tế tập thể là yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Vì vậy, mỗi địa phương cần có những bước đi phù hợp và sự nhìn nhận đầy đủ hơn nữa để hoạt động của các HTX phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, xây dựng HTX cần hướng vào chất lượng, tránh chạy đua với các tiêu chí NTM, khi quy định mỗi xã phải có từ 5 HTX, 3 tổ hợp tác… mà vội vàng thành lập để rồi gặp phải những vướng mắc, sai lầm.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast