"Bỗng nhoài ra biển…"

(Baohatinh.vn) - Tôi vẫn thường nhớ tới tên tập thơ “Bỗng nhoài ra biển” của bạn tôi khi nghĩ về nơi ấy – cửa sông. Có lẽ những con nước khi đồng hành cùng nhau xuôi về biển đã biết đó là nơi cuối cùng trong vai trò là một dòng sông của nó. Bởi thế nên ở đó, tiếng sóng dẫu êm đềm hay gầm gào cũng luôn trong một nỗi thiết tha về lẽ ở đi…

“Bỗng nhoài ra biển…”
“Bỗng nhoài ra biển…”

Gọi là cửa, ấy thế mà mỏi mắt tìm cũng không thấy một sự đóng mở nào. Có chăng, đó là nơi hội tụ rất nhiều giá trị văn hoá mà dòng sông kiến tạo nên trước khi nhoài mình vươn ra biển lớn. Và, biển lớn, trước khi nhận vào lòng nguồn nước ấy cũng đã trao gửi lại những điều tốt đẹp nhất về môi sinh như một sự trả ơn chân tình… Theo nhiều nghiên cứu khoa học, vùng cửa sông ven biển là vùng chịu sự tương tác giữa môi trường nước biển và nước ngọt, hình thành môi trường nước lợ. Hoạt động thủy triều tác động lên vùng này hình thành các hệ sinh thái thủy sinh vô cùng đa dạng và phong phú, có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế của vùng.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Bình minh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Vùng cửa sông ven biển là nơi tiếp nhận nguồn dinh dưỡng hữu cơ dồi dào bắt nguồn từ các con sông cũng như được bổ sung từ biển, là nguồn cung cấp thức ăn phong phú để hỗ trợ cho sự sống của nhiều loại sinh vật khác nhau. Thực tế, vùng cửa sông ven biển được coi là vùng có năng suất sinh học cao vào loại bậc nhất trên hành tinh. Còn trên phương diện văn hoá, cửa sông là nơi kiến tạo đồng thời lắng giữ nhiều nét văn hoá độc đáo của các vùng riêng biệt.

Thuở nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh chưa tạ thế, tôi nhiều lần được nghe ông nói về các cửa sông ở Hà Tĩnh. Theo ông thì Hà Tĩnh trước đây có rất nhiều cửa sông nhưng đến nay chỉ còn 4 cửa chưa bị vùi lấp là Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu. Không hiểu vì sao, tôi rất thích đến vùng cửa sông trong mùa nước bạc. Phải chăng khi con nước duyềnh lên bạc trắng ấy cũng là lúc tôi cảm nhận được rõ nhất niềm lưu luyến của sự chia lìa. Gần 40 tuổi đời, đã từng trải qua và chứng kiến rất nhiều cuộc chia ly. Có những chia xa dứt khoát, có những chia xa dùng dằng, có chia ly đầy bội bạc nhưng cũng có những chia ly chất nặng ân tình. Sự chia xa của con nước nơi cửa sông thiên về nỗi niềm tiếc nuối, không đành lòng, gợi lên trong lòng người những ngậm ngùi, day dứt.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Khai hội. Ảnh: Trần Công Việt

Nhiều lần tôi tự chất vấn mình rằng, vì sao lại đem những nghĩ suy ấy, tâm trạng ấy để áp đặt cho những cửa sông quê tôi. Nơi vốn dĩ cũng ắp đầy niềm vui đón nhận lộc biển, chan chứa tình người. Như mới hôm qua đây thôi, dọc theo đê sông Lam (TP Vinh), tôi xuôi về Cửa Hội và được chứng kiến cảnh sầm uất của một vùng trước đây hẻo vắng. Ấy là những xôn xao thuyền bè vừa về sau buổi đánh bắt, những náo nhiệt đời thường nơi quán hàng lao xao du khách.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Và, bên kia mênh mông sông nước là Xuân Hội – Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang ngày một đổi thay. Xuân Hội trước đây có tên là Hội Thống, cũ hơn nữa là Đan Nhai hải môn, từng là một miền quê biển nghèo nàn, chủ yếu là người làm thuê làm mướn nhưng ngày nay tình hình đã đổi khác rất nhiều. Với lợi thế mực nước sâu của Cửa Hội, nhiều ngư dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thuyền bè, từ thuyền nhỏ đánh trong lộng đến thuyền lớn đánh ngoài khơi. Từ thuyền gỗ tới thuyền bọc thép hiện đại. Những chủ đội tàu lớn như ông Vựng, ông Ất, ông Vinh, ông Thông, ông Ngọ, ông Nhâm, ông Thìn… đã trở thành những nhân vật nổi bật trong những trang sử mới của đất, của làng, của cửa sông chưa hết ngọt đã mặn mòi vị biển ấy.

“Bỗng nhoài ra biển…”
“Bỗng nhoài ra biển…”

Cảng cá Xuân Hội. Ảnh: Đậu Hà

Cửa Hội vốn là cửa chung của vùng Nghệ - Tĩnh, đây là điểm cuối cùng trong 600 km dằng dặc của sông Ngàn Cả. Vượt qua 130 thác ghềnh, hợp lưu nhiều con sông nhỏ, mỗi năm Cửa Hội mang đến cho biển cả khoảng 20 tỷ m3 nước. Sông nước, biển cả và con người nơi đây đã cùng nhau kiến tạo nên những giá trị văn hoá đặc trưng của vùng Cửa Hội. Không chỉ mưu sinh bằng nghề đi biển, cư dân ở đây cũng sớm sáng tạo ra những tục lệ trong tín ngưỡng và đời sống mà nhiều nơi khác hiếm có như tục rước đồ mã, lễ trung nguyên, lễ cầu ngư. Trong đó, lễ cầu ngư và hội chèo bơi là một nét văn hóa đặc sắc được duy trì đến ngày nay.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Trong những cửa sông còn tồn tại của Hà Tĩnh, tôi vẫn thường thắc mắc về tên gọi của Cửa Sót. Vì sao lại gọi là Cửa Sót khi cửa sông này hiện diện rất nhiều trong sử sách, trong những câu chuyện dân gian. Cửa Sót với những hờn Bớc, hòn Én huyền hoặc trong sương xa, với dãy Nam Giới trầm mặc, với cảng cá Thạch Kim xôn xao mua bán, có lẽ cũng là nơi được giới văn nghệ sỹ tìm đến nhiều nhất để sáng tác. Trước đây là thi ca, hiện nay là ảnh. Có rất nhiều tấm ảnh bạn tôi chụp Cửa Sót từ trên cao đẹp đến nao lòng. Những bức ảnh đó càng khắc họa điều mà sinh thời cụ Võ Hồng Huy từng miêu tả về khung cảnh cửa sông này: “Mỗi khúc sông, ngọn núi, mỗi phiến đá, dòng khe ở đây đều mang trong nó nét kỳ vĩ, duyên dáng riêng cùng nhiều truyền thuyết rất đẹp”.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Cửa Sót từ góc máy flycam. Ảnh: Du lịch

Có lẽ cũng bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp như thế, cộng với sự hiền hoà của cư dân bản địa mà cửa Sót còn là nơi neo đậu của tàu thuyền tứ xứ. Nơi đây còn có hẳn cả một xóm chài ngụ cư của ngư dân Nghệ An và Thanh Hoá. Họ sống vui vẻ, thuận hoà và đầy ân nghĩa với ngư dân vùng Cửa Sót. Đó cũng là một nét văn hoá đặc trưng mà cửa sông này đã kiến tạo nên qua năm tháng. Mỗi ngày, cảng cá Thạch Kim đều lao xao mua bán. Họ mua bán, trao đổi hàng hoá trong tâm thế vô cùng thoải mái. Cá về sáng bán sáng, cá về trưa bán trưa. Sau những nhọc nhằn mưu sinh bao giờ cũng là những nụ cười hiền hậu, là những gương mặt rắn rỏi, mặn mòi mà phơi phới niềm tin.

Sinh sống ở một nơi nổi tiếng như thế, cũng giống như khúc ruột cuối cùng của dòng Sót, ngư dân vùng ven Cửa Sót cũng chưa bao giờ thôi nhoài ra biển. Những “cuộc cách mạng” chuyển đổi thuyền bè đã khiến những ngư dân nghèo đói trở thành tỷ phú, triệu phú. Những cuộc ra khơi xa xôi ra khỏi địa phận vùng, địa phận quốc gia đã mang về những nguồn lợi lớn. Dăm bữa, nửa tháng là anh bạn làm ở cảng cá lại báo cho nhóm chúng tôi tin vui về những con tàu trúng đậm mẻ cá này, mẻ mực nọ. Những niềm vui cứ thế lấp lánh, cứ thế náo nức rồi lắng sâu trong những trầm tích cửa bể.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Trên cảng cá Thạch Kim. Ảnh: Huy Tùng

“Bỗng nhoài ra biển…”

Lễ hội Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi. Ảnh: Đình Khôi

Trên những cửa sông bao giờ cũng là những ngôi làng giàu truyền thống văn hoá. Mỗi ngôi làng đều ẩn chứa nhiều câu chuyện liên quan đến trầm tích mà khúc cuối của con sông đã tạo nên. Tôi tin rằng tên gọi của làng Nhượng Bạn vùng cửa Nhượng - Cẩm Xuyên sẽ khiến nhiều người tò mò về câu chuyện ẩn giấu đằng sau đó. Nhượng Bạn xưa kia chỉ là một thôn nhỏ, ngư dân chỉ ở trên ghe sống đời vạn chài lênh đênh. Về sau, nhân dân trên bờ nhượng (nhường) cho một dải đất để lấp ấp, lập xóm. Để tạ cái tình của người dân trên bờ, người dân nơi đây bèn đặt tên cho ngôi làng mới của mình là Nhượng Bạn như để nhắc nhở con cháu muôn sau ghi nhớ về ân nghĩa ấy.

“Bỗng nhoài ra biển…”
“Bỗng nhoài ra biển…”

Niềm vui nơi Cửa Nhượng. Ảnh: Hương Thành

Không có được lưu lượng nước lớn như Cửa Hội, không có được vị trí trọng yếu như Cửa Khẩu, Cửa Sót nhưng Cửa Nhượng lại có vẻ đẹp “trời ban” với núi Thiên Cầm (đàn trời), chùa Cầm Sơn, với cụm rú Đầu Voi (vốn được dân thuyền bè coi là hoa tiêu để vào cửa), với bờ biển trải dài thoai thoải. Ngày nay, nơi đây đã trở thành khu du lịch Thiên Cầm nổi tiếng. Những hoạt động đầu tư phát triển, quảng bá du lịch ngày một chuyên nghiệp đã góp phần khiến câu nói “Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn” không bị lỗi thời trong thời đại mới.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Thiên Cầm - Cửa Nhượng. Ảnh: Hương Thành

Cửa sông không chỉ là nơi lưu dấu những giá trị văn hoá tinh thần được tạo nên bởi cư dân bản xứ mà còn là nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Theo trục lý luận đó, Cửa Khẩu (Kỳ Anh) là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng từ thời lập quốc, là cửa sông, cửa bể quan trọng của ở nam Đại Việt.

“Bỗng nhoài ra biển…”
“Bỗng nhoài ra biển…”

Nhân dân TX Kỳ Anh tổ chức đua thuyền nhân lễ giỗ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ảnh: Trần Công Việt

“Bỗng nhoài ra biển…”

Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là địa điểm văn hóa tâm linh của người dân Cửa Khẩu và du khách thập phương. Ảnh: Trần Công Việt

Cửa Khẩu từng được ghi nhận là vị trí xung yếu của quân Cham pa thuở Chiêm Thành vượt Hoành Sơn cướp phá, chiếm đóng Đại Việt. Trong thời Lê, nơi đây một lần nữa là vị trí quân sự trọng yếu trong các cuộc nội chiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn… Cũng chính vì liên quan đến lĩnh vực quân sự, nên ở đây còn lưu giữ huyền tích về Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được nhân dân lập đền thờ tưởng nhớ. Ngày nay, lễ giỗ bà Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống linh thiêng thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về Cửa Khẩu.

“Bỗng nhoài ra biển…”

Ngư dân Kỳ Ninh chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Trần Công Việt

Với những gì thu nhận được, tôi cho rằng, cửa sông là món quà mà trong quá trình hình thành địa chất, thiên nhiên đã cực kỳ ưu ái ban tặng cho con người. Nơi con nước nhoài mình theo dòng ra bể ấy, biết bao giá trị về văn hoá, về môi sinh đã được lắng lại. Và, mỗi con người sinh ra, lớn lên ở nơi ấy cũng như con nước, biết tách, biết nhập, biết gìn giữ, biết hoà mình vào những dòng chảy của thời đại…

Ảnh: P.V - C.T.V

Thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast