Những mùa hè thương nhớ…
Những mùa hè thương nhớ…
Những mùa hè thương nhớ…

Tuấn – cậu bé đen nhẻm trong khối phố mà tôi mới đến cư trú chính là người khiến tôi luôn nhớ về ký ức tuổi thơ của mình. Nói là khối phố nhưng ở đây, dân bản địa chủ yếu sống bằng nghề nông. Có lẽ chính vì vậy mà chị em Tuấn vẫn còn giữ thói quen chơi những trò chơi của trẻ thơ nông thôn thuở trước. Những buổi trưa mùa hè chang chang nắng, dưới tán cây ngô đồng trước ngõ, Tuấn lại cùng bạn bè tụm năm tụm ba, khi thì bắn bi, khi đẽo con gụ, sửa lồng chim, khi lại hì hụi làm diều sáo.

Những mùa hè thương nhớ…

Ảnh: Phong Linh

Cuối chiều, khi ánh mặt trời đã dịu, sau khi đã giúp bố mẹ làm lụng việc nhà Tuấn sẽ cùng mấy đứa trẻ con trong xóm vác diều ra đồng và bắt đầu thả. Những con diều cậu làm đều không đẹp mắt bởi nguyên liệu toàn là đồ tận dụng nhưng gặp gió thì cũng bay lên rất cao. Và, tiếng sáo thì rất tuyệt. Đó không phải là thứ âm thanh ầm ù, trầm đục vọng lên từ những con diều sáo khổng lồ của mấy lão nông mạn Hộ Độ mà là những thanh âm rất trong trẻo và thanh thoát. Tưởng như, đó là tiếng reo vui giản dị của những đứa trẻ quê trong lòng phố.

Những mùa hè thương nhớ…

Rất nhiều lần, trong giấc trưa mơ màng giữa mùa hè rực nắng, tôi cũng gặp lại tôi của thời thơ ấu. Đó là những ngày hè vui vẻ ở hai miền quê nội ngoại. Tôi thấy mình cùng nhỏ bạn chân thấp chân cao chạy dọc bờ dường, bờ thửa cánh đồng trước ngôi làng quê nội để bắt châu chấu, cào cào. Tôi nhìn thấy bóng dáng bà nội tôi, bà nội của bạn liêu xiêu cắp rá đi mót khoai, mót lúa trên con ngõ hun hút bóng tre… Đó cũng chính là nỗi nhớ mà nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến đã gọi tên trong bài hát “Bà tôi”. Rằng: “nhớ làng tôi, từng dòng mương xanh bay bay bay. Nhớ bà tôi, một trăm rồi ngọn cỏ hoá mây trời”…

Những mùa hè thương nhớ…

Ảnh: Đậu Bình

So với những ngày ở quê nội thì mùa hè ở quê ngoại của tôi kéo dài và nhiều kỷ niệm hơn bởi ở đó có nhiều hơn những người anh chị em họ nhàng nhàng tuổi tôi. Những ban trưa mùa hè, làng quê Xa Lang của tôi thường rất mát bởi không chỉ tre trúc kín lối mà còn bởi sau lưng làng tôi là dòng Ngàn Phố hiền hoà. Lũ trẻ chúng tôi bày ra đủ trò để chơi, lúc thì đánh khăng đánh đáo, lúc chặt hóp làm súng bóc, lúc nhảy dây, bắn bi. Chơi chán thì rủ nhau ra sông nhặt lá bàng thả làm thuyền. Mỗi khi thả lá trôi đi, chúng tôi thường chơi trò gửi mơ ước. Giờ đây, mỗi khi chạm vào ký ức, những chiếc lá bàng thuở hoa niên lại hiện về trước mắt tôi như thầm nhắc về những mộng ước chưa thành...

Những mùa hè thương nhớ…

Tôi không thể biết dòng Ngàn Phố hiền hoà ấy, bến sông tập nập, tươi vui của làng tôi thuở ấy đã chuyên chở bao nhiêu ước mơ nhỏ nhoi mà cháy bỏng của lũ trẻ quê nghèo. Chỉ biết rằng, trong sâu thẳm cõi lòng, bạn bè tôi, đứa nào cũng có một dòng sông đầy thương nhớ…Và tôi, vẫn luôn canh cánh bên lòng về cậu bé dân chài thường đưa mắt liếc ngang khi dong thuyền qua khúc sông làng tôi. Ánh mắt ấy chứa đựng nỗi thèm thuồng, niềm hờn dỗi, sự bất cần và cả sự cam chịu mà về sau, trong những hồi ức về bến sông quê, nhớ lại bằng suy nghĩ của người trưởng thành tôi mới thấu tỏ được.

Những mùa hè thương nhớ…

Ảnh: Bá Tân

Sau này, tôi còn gặp ở nhiều nơi nữa, những đứa trẻ phải bỏ quên mùa hè bởi gánh nặng mưu sinh. Những em bé lượm ve chai ngoài bãi rác, những dáng nhỏ cong mình trên bãi phơi bánh đa nem, những cậu bé sáng chiều ngụp lặn trên sông nước, lang thang qua các ngả phố đánh giày, gồng mình hái sim, chặt củi… Tất cả đều phải chôn giấu niềm khát khao bay nhảy, vui đùa hồn nhiên trong những mùa hè của tuổi hoa niên. Đó cũng là nỗi canh cánh của mẹ cha, của xã hội khi bắt các em phải từ bỏ và ngồi thương nhớ mùa hè ngay chính giữa những chói chang, rực rỡ của thiên nhiên… Có thể những lam lũ ấy rồi sẽ được bù đắp ở tương lai nhưng mãi mãi, những con người ấy sẽ luôn mang nặng nỗi niềm khao khát về những mùa hè chưa kịp đến đã vội qua mau…

Những mùa hè thương nhớ…

Ảnh: Khánh Thành

Thời thơ ấu của tôi và bạn bè cùng xóm cũng không hẳn là những ngày dài được vui chơi thoải mái bởi chúng tôi còn phải phụ mẹ làm lụng. Nhưng ngay cả trong công việc, những đứa trẻ con miền núi chúng tôi vẫn tự tìm kiếm được niềm vui độc đáo cho riêng mình. Mỗi chiều đi chăn bò hay lấy củi trên núi, chúng tôi lại bày trò để vui vẻ bên nhau. Có thể đó là những “bữa tiệc” với ổ ong non, với sim mua tím rịm... Mùa hè, chúng tôi còn có cả một thảm lá thông rụng êm mượt để có thể ngồi lên và trượt xuống chân núi từ những đỉnh cao chót vót… Niềm vui hồn nhiên ấy, sự sảng khoái ấy là cảm giác mà chúng tôi, dù có đi đến chân trời góc bể nào cũng không thể tìm thấy được.

Những mùa hè thương nhớ…

Mùa hè và trẻ con. Hai thực thể ấy dường như được tạo ra để dành cho nhau và cũng có nhiều đồng điệu. Giống như trẻ nhỏ, mùa hè xuất hiện bằng sự rộn rã, huyên náo và sặc sỡ. Đó là tiếng ve râm ran trong những tán cây, là chói loà màu phượng đỏ, là những mùa quả chín thơm tho. Hè như một đứa trẻ con hiếu động, luôn khiến người khác phải chú ý, phải quan tâm. Luôn khiến người khác yêu thương một cách hồn hậu như đương nhiên phải thế. Và luôn khiến lòng người nhung nhớ khôn nguôi…

Có lẽ ở đâu cũng vậy thôi, chính trong không khí nóng nực mà cũng rất khoáng đạt, chính trong sự rực rỡ, chói loá mà rất đằm sâu của mùa hè là nơi bao thế hệ gửi lại tuổi thơ của đời mình. Ở đó hầu như chỉ có niềm vui. Nỗi buồn nếu có cũng rất nhẹ, tựa như niềm tiếc nuối chơi vơi về một điều gì đó đã tuột tay bỏ lỡ. Như cách ta đã nhón chân trần rất khẽ, đã nín thở đưa tay ra nhẹ nhàng mà chú chuồn chuồn ớt mọng đỏ vẫn bay đi mất. Để suốt cả một mùa hè cứ ngơ ngác mãi, để suốt cả cuộc đời cứ lưu luyến khôn nguôi về một cánh chuồn chuồn thuở nhỏ. Như cách ta đã lựa chọn ngôi sao của mình trong đêm hè nào ngửa mặt trên bờ đê lộng gió mà chỉ một cái chớp mắt thôi, ngôi sao đó đã lạc vào ức triệu ngôi sao khác trên bầu trời. Để trong suốt cả cuộc đời cứ đau đáu rằng: “Tuổi thơ ơi, tuổi thơ ơi/ Sao tôi gọi mãi mà người không thưa/ Xin người một chút xa xưa/ Sao tôi chỉ nhận nắng mưa bây giờ?” (Nguyễn Vĩnh Tiến)

Những mùa hè thương nhớ…

Ảnh: Đậu Bình

Những mùa hè thương nhớ…

Ảnh: đậu bình, phong linh,

khánh thành, bá tân, bùi đình hải

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast