10 năm án oan và sự thức tỉnh lương tri

Trong những ngày gần đây, điều mà dư luận và giới truyền thông quan tâm nhất có lẽ là việc ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được trả tự do sau 10 năm ngồi tù do bị kết án oan...

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau khi được trả tự do. Ảnh: TTO
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau khi được trả tự do. Ảnh: TTO

“Án oan” - thuật ngữ này không mới, bởi trong lịch sử đã từng xảy ra nhiều. Có những nỗi oan vì đất đai, nhà cửa của mình bị người khác tranh chiếm. Có những nỗi oan bị đánh đập, bắt vào tù… Nhắc đến Nguyễn Thanh Chấn, nhiều người lại nhớ đến Nguyễn Sĩ Lý - nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tây Nguyên cũng bị cơ quan pháp luật quy sai tội giết người, phải mất 3 năm trong vòng lao lý mới được giải oan. Và, ai dám chắc rằng, sau song sắt không còn người bị oan sai chưa kêu thấu?!

Không ai ngờ rằng: 10 năm ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan vì bị buộc tội giết người chịu án tù chung thân dù đã qua 3 cấp xét xử. Cũng còn một chút mảy may cho ông không phải chịu án “dựa cột” vì bố ông là liệt sĩ nên được hưởng lượng khoan hồng!

Khi ông Nguyễn Thanh Chấn vào tù, gia đình lâm vào bế tắc. Các con ông bị bạn bè xa lánh, kỳ thị nên không chịu nổi, phải lần lượt nghỉ học. Người mẹ già bán hàng tạp hóa cũng thường xuyên bị chửi rủa. Vợ ông phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương trong thời gian dài do “cú sốc” quá lớn. Con gái ông xuất khẩu lao động sang Đài Loan được 4 năm, tâm sự cùng mẹ trong nước mắt: “Nếu bố không về được thì con không về nước và không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng?”.

Bút mực nào tả hết nỗi bi thương, nỗi nhục của một gia đình nông dân Việt Nam suốt đời “không có bổng lộc nào theo tới lũy tre xanh” lại rung lên những dây đàn oan nghiệt như thế.

Vậy ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan do đâu? Dư luận cho rằng, do những người thực thi pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án, họ không làm đúng lương tâm, trách nhiệm, không quan tâm đến những chứng cứ ngoại phạm của ông Chấn. Sau đó, cơ quan kiểm sát và tòa án đều dựa trên tài liệu hồ sơ của cơ quan điều tra để buộc tội và kết tội oan. Đúng là “rễ đắng” từ gốc gieo nên “quả đắng” trên ngọn. Khi vụ án được lật lại để làm sáng tỏ, tất cả mới vỡ lẽ: trong quy trình tố tụng, hồ sơ còn có nhiều “lỗ hổng” sai sót và vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.

Vụ án oan của Nguyễn Thanh Chấn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người được Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ “cầm cân nẩy mực” trong bộ máy pháp quyền của Nhà nước, hãy chấn chỉnh ngay đội ngũ CBNV của mình. Không ít cán bộ “đánh bóng bằng cấp” bằng học vị nhưng vốn kinh nghiệm từ tư duy thực tiễn và nhiệt huyết với nghề thì quá non nớt.

Hy vọng rằng, từ vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, không chỉ những người trực tiếp gây ra vụ án này thức tỉnh lương tri và sám hối, mà những cán bộ trong ngành công an, viện kiểm sát và tòa án cả nước nói chung, phải biết tự rèn mình, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng làm việc, kỹ năng sống để phục vụ nhân dân và suốt đời phụng sự cho lý tưởng “công bằng và hữu ái”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast