An toàn pháp lý cho hoạt động tín dụng

(Baohatinh.vn) - Việc ký kết các giao dịch bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhằm đáp ứng lợi ích không chỉ của người sử dụng vốn mà còn của người cung cấp tín dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, khi thực hiện các giao dịch tín dụng có thể xảy ra tình trạng bên thế chấp có hành vi gian dối nhằm chiếm dụng vốn của bên nhận thế chấp. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, ngày 23/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thành phố Hà Tĩnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thành phố Hà Tĩnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.

Triển khai thực hiện Nghị định 83/2010/NĐ-CP, thời gian qua, công tác đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp. Các văn phòng đăng ký QSDĐ đã triển khai và thực hiện đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất một cách nhanh chóng, thuận lợi và đúng pháp luật. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất được thực hiện đúng thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia giao dịch; quy trình giải quyết, thời hạn, thủ tục tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng và người sử dụng đất thực hiện tốt các giao dịch bảo đảm, hạn chế sai sót và khiếu kiện, khiếu nại.

Tại Văn phòng đăng ký QSDĐ thành phố Hà Tĩnh, thủ tục hành chính về đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất, các quy định về thời hạn, phí, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đều được niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện.

Anh Nguyễn Đức Danh – Giám đốc Văn phòng cho biết: TP Hà Tĩnh có nhiều tổ chức tín dụng và nhu cầu vay vốn của người dân cao nên lượng hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm khá lớn. Xác định việc hoàn thành thủ tục đăng ký sớm nhiều khi là “cơ hội vàng” cho người thế chấp nên Văn phòng tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ đăng ký thế chấp vào tất cả các ngày làm việc trong tuần. Năm 2013, Văn phòng đăng ký QSDĐ thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3.000 hồ sơ yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để SXKD.

Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, thị xã và Sở TN&MT, số lượng hồ sơ yêu cầu đăng ký QSDĐ, tài sản gắn liền với đất tại các địa phương trên địa bàn tăng lên đáng kể. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, các văn phòng đăng ký QSDĐ đã tiếp nhận và giải quyết hơn 31.000 hồ sơ đăng ký với tổng dư nợ gần 20.000 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm của Hà Tĩnh trong thời gian qua là cách thức tốt nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Tâm – Phó Giám đốc Ngân hàng No&PTNT, Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: Thông qua hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, quyền lợi của bên nhận bảo đảm được công bố, khẳng định sự hiện hữu của các quyền liên quan đến tài sản bảo đảm đã được đăng ký là tiền đề cho các ngân hàng thực hiện quyền truy đòi tài sản bảo đảm, được ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm so với các chủ nợ khác. Đối với người dân, việc đăng ký giao dịch cho phép họ dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không được ảnh hưởng đến hoạt động SXKD và sinh hoạt. Điều này có nghĩa, bên bảo đảm vẫn giữ tài sản bảo đảm và tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản nhằm phục vụ mục đích SXKD bên nhận bảo đảm từng bước thu hồi vốn, tái đầu tư và thanh toán được nợ cho bên nhận bảo đảm.

Bên cạnh đó, việc công khai hóa thông tin về giao dịch bảo đảm được đăng ký là một giải pháp để bên thứ 3 có thể dễ dàng nhận biết được tính chất pháp lý của tài sản thế chấp khi thực hiện các giao dịch vay vốn. Nhờ đó, rủi ro pháp lý trong giao dịch sẽ giảm thiểu, nhất là trong trường hợp tài sản bảo đảm vẫn do bên bảo đảm chiếm giữ, khai thác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Đăng ký giao dịch bảo đảm là biện pháp tốt nhất góp phần giữ an toàn pháp lý trong hoạt động tín dụng. Với trách nhiệm của mình, Sở thường xuyên tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và phối hợp với Sở TN&MT, các ngành liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai hoạt động giao dịch bảo đảm trên địa bàn. Để công tác đăng ký giao dịch bảo đảm phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, bồi dưỡng pháp luật, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giao dịch đảm bảo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cá nhân, tổ chức nhận thức đầy đủ, thực hiện đúng pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast