Bảo vệ cơ quan, trường học: Khó từ nhiều phía

(Baohatinh.vn) - Không nghiệp vụ, đa phần đã hết tuổi lao động, sức khỏe không đảm bảo, không được trang bị các phương tiện thiết bị... đó là thực trạng của đội ngũ bảo vệ tại các cơ quan ở cơ sở hiện nay. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ trộm xảy ra thường xuyên tại các trụ sở xã, trường học mà mới đây nhất là các vụ trộm ở Tùng Lộc (Can Lộc).

Áp lực của bảo vệ trường học…

Bảo vệ ANTT, an toàn tài sản ở các cơ quan nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu, nhưng qua tìm hiểu tình hình thực tế tại các cơ quan ở cơ sở cho thấy, thực trạng về công tác bảo vệ nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 16/6/2017, hai “đạo chích” đã đột nhập Trường THCS Đặng Dung ở xã Tùng Lộc lấy 6 màn hình máy vi tính với tổng trị giá khoảng 15 triệu đồng và đột nhập một cơ quan khác trên lấy một số tài sản giá trị.

bao ve co quan truong hoc kho tu nhieu phia

Để học sinh toàn tâm học tập và vui chơi khi đến trường, rất cần cơ chế rõ ràng đối với công tác bảo vệ.

Thầy Lê Công Thuận - Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Dung cho biết: “Lương chưa đầy 2 triệu đồng nhưng bảo vệ ở trường tôi rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên, hạn chế của bảo vệ là sức khỏe yếu mà kẻ gian lại lợi dụng thời tiết, đêm tối, trong khi không gian trường khá rộng, tường dễ trèo nên bảo vệ rất khó phát hiện”.

Theo Đại tá Trần Sinh Tố - Trưởng Công an huyện Can Lộc: Nhiều năm qua, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp ở trường học, trụ sở xã như tại Vượng Lộc, Quang Lộc, Trường Tiểu học Mỹ Lộc… Hàng năm, chúng tôi đều giao nhiệm vụ cho các địa phương phải đảm bảo an toàn ở trụ sở xã, trường học nhưng lực lượng ở cơ sở quá mỏng, bảo vệ chưa chuyên nghiệp, thủ đoạn của kẻ gian lại tinh vi nên nhiều địa bàn khá khó khăn. Theo tìm hiểu, những năm qua, một số trường học ở Cẩm Xuyên, Thạch Hà... cũng xảy ra tình trạng mất trộm.

Tại Trường Mầm non Sơn Giang (Hương Sơn), nơi đã từng xảy ra tình trạng mất cắp ti vi và máy vi tính, dẫu có lực lượng bảo vệ tại 2 điểm trường, nhưng thực tế với mức lương 500 ngàn đồng/người/tháng, trang bị cho công việc hầu như không có gì nên bảo vệ khó thực hiện tốt nhiệm vụ. Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) trả tiền lương cho bảo vệ cao hơn nhưng khối lượng công việc cũng vì thế lớn hơn.

Ông Phan Minh Đường, bảo vệ Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Năm nay, tôi đã gần 70 tuổi, làm bảo vệ trường 7 năm, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc bảo vệ, tôi còn quét dọn, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên. Dẫu là bộ đội về hưu, việc bảo vệ ANTT tôi cũng từng biết đến nhưng tuổi cao, sức khỏe hạn chế nên để bảo vệ an toàn khối tài sản lớn của trường học nhiều khi rất áp lực”.

Về những khó khăn trong công tác bảo vệ trường học, thầy Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Lực lượng bảo vệ trường học là không thể thiếu. Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế là hầu hết đội ngũ này tuổi đã cao, sức khỏe không đảm bảo, thiếu nghiệp vụ và thiếu trang thiết bị cần thiết; nhiều nơi bố trí được thì cũng chỉ bộ áo mưa, đôi ủng, đèn pin. Điều quan trọng hơn cả là ngân sách chi cho công tác bảo vệ không có nên các nhà trường hầu hết phải tiết kiệm chi để trả cho khoản này”.

Bảo vệ UBND xã, mỗi nơi một kiểu

Cũng như các trường học, công tác bảo vệ tại các trụ sở UBND cấp xã cũng gặp những khó khăn. Nhìn chung, người bảo vệ đều cảm thấy công việc áp lực do không gian bảo vệ khá rộng, hệ thống tài sản được trang bị ngày càng nhiều, tội phạm liều lĩnh gia tăng, hệ thống cơ sở vật chất chống trộm còn đơn giản. Trong khi đó, mặt bằng chung trên toàn tỉnh, đa phần mức lương bảo vệ UBND xã được trả từ 1-1,5 triệu đồng/tháng nên nhiều người chưa phát huy hết trách nhiệm.

bao ve co quan truong hoc kho tu nhieu phia

Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiết bị chống trộm sơ sài là nỗi lo của bảo vệ UBND thị trấn Phố Châu (Hương Sơn).

So với các địa phương, Hương Sơn là huyện quan tâm công tác bảo vệ, cụ thể là Phòng Nội vụ huyện đã ban hành hướng dẫn nhưng gặp khó từ các quy định nên hướng dẫn cũng chung chung: Đối với bảo vệ cơ quan các xã, thị trấn, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo UBND có thể hợp đồng 1 người bảo vệ; kinh phí chi trả được vận dụng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên hoặc các nguồn khác nếu có. Từ hướng dẫn này, các địa phương đang áp dụng khác nhau.

Ông Phan Xuân Định - Chủ tịch UBND thị trấn Phố Châu cho biết: “Việc bảo vệ ANTT, an toàn tài sản công sở rất quan trọng nên chúng tôi đã trích ngân sách hợp đồng 1 bảo vệ”. Dầu tuổi đã ngoài 60, sức khỏe hạn chế nhưng ông Trần Minh Hiếu - bảo vệ UBND thị trấn Phố Châu vẫn cảm thấy vui vì nguồn thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng , “hời” hơn bảo vệ các địa phương khác. Nhưng, để có nguồn thu nhập, ngoài công việc chính, ông Hiếu còn phải làm thêm việc đưa thư, vệ sinh cơ quan, đảm bảo cơ sở vật chất hội họp…

Trụ sở xã Tân Lộc (Lộc Hà) - một trong những nơi vừa bị trộm đột nhập, công tác bảo vệ lại gặp khó ở “nỗi” khác. Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: “Bảo vệ của xã trước đây tuổi cũng đã ngoài 60, chúng tôi hợp đồng mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Nhưng từ khi UBND huyện ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại các xã để tinh giản biên chế thì suất bảo vệ xã hiện nay đã không còn”. Cũng từ công văn của huyện về việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các xã nên ở Mai Phụ (Lộc Hà), công tác bảo vệ giờ đây cũng được giao cho lực lượng an ninh.

(Còn nữa)

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast