Bi kịch từ sự đói nghèo, cùng quẫn và thiếu hiểu biết

(Baohatinh.vn) - Lê Thị Thủy (SN 1975, trú tại xã Sơn Giang, Hương Sơn) lặng lẽ đứng trước vành móng ngựa. Trông thị, không ai nghĩ đó là bị cáo trong vụ án “Giết người” với khung hình phạt từ 7-15 năm. Và đau đớn thay, bị hại lại chính là người từng “đầu gối, tay ấp”. Tấn bi kịch này xuất phát từ sự đói nghèo, cùng quẫn và thiếu hiểu biết về pháp luật.

Cáo trạng được vị đại diện Viện KSND tỉnh công bố: chiều 1/7, do nghi ngờ chồng là anh Võ Hồng Sơn lấy trộm 10.000 đồng nên Thủy đã xô ngã, đạp vào người, khiến anh Sơn tử vong. Tình tiết của vụ án hết sức đơn giản, hành vi “giết người” không âm mưu, không dự tính, không hung khí, không đối kháng và ngay cả bị cáo cũng không hề nghĩ rằng, mình đã cướp đi mạng sống của một con người.

Cả khán phòng lặng lẽ, những người có mặt trong phiên tòa như đang được xem thước phim buồn, đầy bi kịch của vợ chồng Thủy, Sơn - bị cáo và bị hại trong phiên tòa này.

Bi kịch từ sự đói nghèo, cùng quẫn và thiếu hiểu biết ảnh 1

Bị cáo Lê Thị Thủy trước vành móng ngựa.

Sống với nhau 15 năm thì hơn 10 năm, anh Sơn bị liệt chân vì tai nạn lao động, một mình Thủy xoay xở để nuôi sống cả gia đình. Nghề không, vốn liếng cũng không, để “kiếm đủ gạo” nuôi chồng và 2 đứa con, Thủy phải trằn mình làm cửu vạn. Ai thuê gì làm nấy, bốc vác từ sáng đến tối, chỉ mong gom góp được dăm ba chục ngàn.

Không giúp được gì cho vợ, buồn chán, anh Sơn giải khuây, trốn mình trong men rượu. Anh nghiện, uống cả ngày. Và, để có tiền mua rượu, thỉnh thoảng anh “đánh thó” từng đồng tiền mồ hôi, nước mắt mà vợ chắt chiu có được. Thậm chí, có khi lên cơn thèm, anh Sơn còn xúc gạo đi “quy đổi”. Cái sự nát rượu của anh Sơn ngày càng nặng thêm và việc “đánh thó” diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt, gần đây, anh Sơn bị ung thư trực tràng, không có điều kiện chạy chữa, thuốc thang, chỉ còn là cái xác không hồn.

Lúc đầu, Thủy hơi khó chịu nhưng rồi tặc lưỡi bỏ qua vì thương chồng, biết chồng đang phẫn chí. Thế nhưng, mệt mỏi vì phải một mình chăm sóc con cái, khổ ải vì mưu sinh, cùng quẫn với cuộc sống gia đình nên tâm trạng Thủy luôn căng như sợi dây đàn. Và, sức chịu đựng có hạn, chỉ một chút mất bình tĩnh cùng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, Thủy đã gây nên tội ác.

Trưa hôm đó, đi bốc hàng thuê về được 20.000 đồng, Thủy cất vào túi áo để trả nợ tiền mua sữa cho con. Thế nhưng, chiều kiểm tra lại thì 1 tờ 10.000 đồng đã “không cánh mà bay”. Biết chồng lấy nhưng hỏi thì anh Sơn một mực chối, bực mình, Thủy “đạp cho vài đạp” rồi tiếp tục đi làm. Sau đó, biết anh Sơn đau nhưng Thủy cũng chỉ hỏi han qua quýt, lo cơm nước chứ không đưa đi bệnh viện vì “chắc do bệnh tật, sức khỏe kém”. Tuy nhiên, do tác động mạnh, anh Sơn bị vỡ u đại tràng và tử vong trong đêm đó.

Tại phiên tòa, hàng ghế dành cho bị hại không có ai ngồi. Anh Sơn thì đã chết, các con không đến, còn “người nhà bị hại” là vợ anh thì đang ngồi bên hàng ghế bị cáo. Cáo trạng, bản luận tội, các câu hỏi của Hội đồng xét xử đưa ra đều được Thủy chấp nhận và trả lời như một cái máy với vẻ mặt vô hồn, vô cảm. Thủy chỉ giật mình thảng thốt khi nghe nhắc đến con, thống thiết khóc khi không biết phải làm gì cho 2 đứa con khi mẹ đi tù. Nói lời sau cùng, bị cáo cũng chỉ biết: mong ai đó cho chúng ăn, ngủ.

Phiên tòa kết thúc trong nước mắt xót thương, cay đắng. Mặc dù “Tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì thực ra, bị cáo cũng là bị hại” như phát biểu của anh Phan Xuân Anh - em con cậu của Sơn - đại diện gia đình người bị hại nhưng pháp luật là pháp luật, ngoài mục đích trừng trị người phạm tội còn răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Thị Thủy 7 năm 6 tháng tù giam. Tòa tuyên án, Thủy gần như ngã khụy, ngoái đầu nhìn lại phía sau. Dù biết các con không đến dự phiên tòa nhưng ánh mắt vô hồn của Thủy vẫn cố kiếm tìm. Tôi đọc được trong đôi mắt đó tất cả nỗi đau buồn, lo lắng của người mẹ khi mất đi quyền được chở che, chăm sóc con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast