Gian nan giải quyết án hành chính

(Baohatinh.vn) - Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan làm án đã có nhiều nỗ lực nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc xét xử các vụ án hành chính vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, hiệu quả chưa như mong đợi...

“Nóng” án đất đai...

Theo ghi nhận, án hành chính chủ yếu xẩy ra khi triển khai các chương trình, dự án phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư và công dân tập trung khiếu kiện các hành vi hành chính, quyết định hành chính của chính quyền các cấp. Do vậy, số lượng án về đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao, nhất là những địa phương đẩy mạnh xây dựng cơ bản như: TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Vũ Quang...

Ông Tống Khánh Lâm - Trưởng phòng Kiểm soát án hành chính Viện KSND tỉnh nhận định: “Thời gian qua, các vụ án hành chính có nội dung khiếu kiện liên quan đến đất đai nhiều là do công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư của các dự án còn nhiều bất cập, nhận thức của người dân về pháp luật và các chính sách còn hạn chế”. Ở một chiều hướng khác, Chánh Tòa Dân sự tỉnh Trần Hồng Hải cho rằng, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai không phải lúc nào chính quyền cũng đúng, gây khó khăn cho công tác xét xử...

Gian nan giải quyết án hành chính ảnh 1

Không đồng tình với quyết định thu hồi 12.000 m2 đất của Trung tâm Dạy nghề Hoa Sữa (Thạch Hà), Giám đốc Phạm Công Ngụ đã khởi kiện hành chính ra tòa nhưng đến nay, vụ án vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trong ảnh: Khu đất “vàng” vẫn đang được sử dụng trái phép.

Trong quá trình giải quyết khiếu kiện hành chính về đất đai, mặc dù tòa án 2 cấp đã có nhiều nỗ lực, nhất là giải thích, hướng dẫn và tổ chức cho các bên liên quan đối thoại để tự giải quyết quyền lợi nhưng nhiều người vẫn kiên quyết yêu cầu tòa xử lý. Tòa án các cấp đã giao các thẩm phán có năng lực trực tiếp giải quyết nên tỷ lệ án sai, án bị hủy do lỗi chủ quan của tòa xẩy ra rất ít.

Mặc dù những người được giao nhiệm vụ thụ lý án đã dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả xử lý vẫn chưa như mong đợi, đa số các bản án người dân chưa hài lòng với phán quyết của tòa nên tỷ lệ kháng cáo vẫn rất cao. Qua tìm hiểu được biết, Tòa án nhân dân TX Hồng Lĩnh xét xử 9 vụ về đất đai thì tất cả đều kháng cáo; ở Kỳ Anh có 11 vụ thì tất cả đều phải qua tòa phúc thẩm...

Nhiều khó khăn, bất cập khác

Trong các vụ án hành chính, bên bị kiện là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước nên quá trình tham gia giải quyết, một số thẩm phán còn “ngại va chạm”. Nếu xét về nguyên tắc, khi bị khởi kiện thì đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải tham gia với tư cách là đương sự chứ không phải phối hợp hay chỉ đạo.

Thế nhưng, trong thực tế, khi đến phiên tòa, các vị lãnh đạo chỉ nắm vụ việc ở tầm vĩ mô, không khai báo được các thông tin và cung cấp tài liệu cụ thể. Đối với bên bị kiện là cá nhân, khi được yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì phần lớn không hợp tác, nếu có thì cũng chỉ mang tính đối phó...

Trong giải quyết án hành chính, thường xẩy ra tình trạng lãnh đạo các cơ quan nhà nước ủy quyền cho cấp dưới tham gia tố tụng. Do không phải là người ban hành các quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính có liên quan, không có thẩm quyền quyết định các nội dung của người khởi kiện nên khi xét xử, họ không dám đưa ra các quyết định hoặc phát biểu mang tính chất quyết định.

Một vấn đề không thể không đề cập, đó là một bộ phận không ít người dân khởi kiện hành chính là do bị xúi giục, lấy án hành chính làm diễn đàn chống phá, nói xấu chính quyền. Thậm chí, nhiều trường hợp người khởi kiện chỉ phải ký vào đơn đã được người xúi giục soạn sẵn, không nắm chắc được việc mình yêu cầu giải quyết nên khi ra tòa, chỉ tập trung chống phá, bất hợp tác.

Số lượng án hành chính đang có dấu hiệu tăng. Để nâng cao hiệu quả và chất lượng xét xử, ngoài sự nỗ lực của tòa án 2 cấp và các cơ quan làm án khác thì cần có sự chung tay vào cuộc của chính quyền các cấp, những người tham gia khiếu kiện và các lực lượng liên quan.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast