“Ma men” dẫn lối... vô tù!

(Baohatinh.vn) - “Cả nước có hơn 5.000 người đánh nhau phải nhập viện trong dịp Tết Bính Thân 2016” - một con số kinh hoàng, và đây mới chỉ là những thống kê chưa đầy đủ từ các bệnh viện. Được biết, nguyên nhân của các vụ hỗn chiến chủ yếu xuất phát từ rượu...

“Ma men” dẫn lối... vô tù! ảnh 1
Ma men dứt tình, đoạn nghĩa. Ảnh minh họa từ internet

Chiều 28 tết, Lĩnh (TP Hà Tĩnh) làm “bữa tất niên” khá hoành tráng vì “Việt kiều Thái hồi hương”. Mâm rượu chủ yếu là anh em chiến hữu, hàng xóm và vài người bạn cùng làm ăn bên Thái Lan. Những lời chúc tụng, hô hào, chén chú chén anh khiến mâm nhậu càng thêm sôi nổi. Cuộc rượu sắp tàn, chủ nhà đưa ra một chai rượu ngoại.

“Chivas xách tay đấy. Lượng ít, lòng nhiều” – vừa “châm tửu” cho bạn nhậu, Lĩnh vừa khoe. Vậy là từ lúc này, các chủ đề chính trị, kinh tế thế giới tạm lắng xuống để các “túy nhân” tập trung vào tranh luận về “tửu học”. Ai cũng cố tỏ ra sành điệu. Kẻ “quốc hồn, quốc túy” với rượu nếp không pha, người tinh hoa sính ngoại với “nút bi, nút bần”. Không ai nhường ai, “tửu nhập thì ngôn xuất” rồi tay, chân vung. Thế là, cuộc vui tan tành. Cũng may, vài chiếc cốc, bát bay chưa đủ gây đại họa. Tuy vậy, cũng đủ để cho cả chủ và khách “tởn tới già”.

Có thể thấy, trong nhiều cuộc ẩu đả, vi phạm pháp luật, thậm chí là tội phạm đều có nguyên nhân do lạm dụng rượu bia, nhất là trong dịp tết. Chiều 28 tết, anh H. ở xã Xuân Thành (Nghi Xuân) “đụng” con lợn, mời anh em làng xóm đến uống “rượu lòng”, trong đó, có anh vợ tên là Đức.

Rượu tàn, H. bảo vợ đưa tiền để anh em đi karaoke giải rượu. Thấy chồng ngà ngà say, vợ không đưa tiền và buông lời trách móc. Sẵn hơi men, H. mắng vợ và định “cho 1 tát”. Đức đứng ra can ngăn, hai bên xảy ra xô xát. Máu nóng bốc lên, hơi men ngùn ngụt, Đức vớ lấy chiếc cào nhằm đầu anh H. bổ một nhát “dứt tình, đoạn nghĩa”.

Mặc dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cú bổ quá mạnh đã khiến anh H. tử vong ngay trong ngày cuối cùng của năm. Người xuống suối vàng chiều 29 tết, kẻ đón giao thừa trong trại tạm giam, gia đình mất tết, họ hàng mất xuân chỉ bởi những cái đầu không làm chủ được hành vi do rượu.

Rượu bia là chất xúc tác làm gia tăng bạo lực nhưng cái gốc của vấn đề đó là kinh nghiệm ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, kiềm chế cảm xúc, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực. Việc đánh nhau, cư xử mang nặng yếu tố bạo lực, bỏ qua cách ứng xử nhường nhịn, hòa nhã của một bộ phận cũng phản ánh đạo đức xã hội đang có vấn đề.

Do đó, thay vì chỉ trang bị kiến thức sách vở, gia đình, nhà trường, xã hội phối hợp đẩy mạnh hơn nữa việc trang bị kỹ năng sống, giao tiếp và những kiến thức nhân văn cho con em. Một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng trên là cần cấm bán rượu, bia cho thanh, thiếu niên. Cùng với đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, việc cấm lạm dụng rượu, bia cần đưa thành quy định của pháp luật chứ không đơn giản chỉ là quy định riêng của các bộ, ngành, địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast