Một bản án không thuyết phục của TAND huyện Hương Khê

Ngày 24-3-2010, TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp vật nuôi giữa nguyên đơn là ông Thái Hồng Quảng và bị đơn là ông Trần Văn Đệ ở xã Hòa Hải; đối tượng tranh chấp là một con trâu đực, trị giá khoảng 10 triệu đồng. TAND huyện Hương Khê tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Thái Hồng Quảng. Điều đáng nói là, nhiều người dân và lãnh đạo địa phương đều không đồng tình với bản án và mong muốn tòa phúc thẩm về tận địa phương điều tra, xác minh làm rõ để xét xử một cách khách quan.

Theo đơn tường trình của ông Thái Hồng Quảng, gia đình ông có đàn trâu 9 con, thường chăn thả trong rừng, ít ngày mới vào kiểm tra 1 lần. Vào đầu tháng 10-2009, ông Quảng phát hiện bị mất 1 con trâu đực, sau đó nhờ người đi tìm và đến ngày 14-10 thì phát hiện con trâu nhà mình đang ăn cùng đàn trâu ông Trần Văn Đệ (công dân thôn 1, cùng xã). Sự việc tranh chấp con trâu bắt đầu từ đó. Trong thời gian 2 gia đình tranh chấp, xã Hòa Hải đã tổ chức nhiều cuộc hòa giải nhưng không thành. Tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện của ông Quảng, ngày 24-3-2010, TAND huyện Hương Khê xét xử, cho rằng, con trâu nói trên không phải trâu của ông Quảng và không chấp nhận đơn khởi kiện của ông. Bản thân gia đình ông Quảng, nhân dân cũng như cán bộ địa phương vô cùng bức xúc.

Trong các buổi làm việc tại địa phương, vợ chồng ông Quảng khai thống nhất năm sinh của con trâu là 2005, đều do một con trâu mẹ sinh ra; còn ông Trần Đệ khai con trâu này sinh vào năm 2001, trong khi đó, bà Phan Thị Hòa (vợ ông Đệ) lại khai là con trâu này sinh vào năm 2005 và không đồng nhất do một con trâu mẹ sinh ra!

Thế nhưng, trong bản án, TAND huyện Hương Khê lại không theo hồ sơ ban đầu lập ở xã Hòa Hải mà cho ông Đệ khai lại. Một vấn đề mà người dân địa phương và cán bộ xã Hòa Hải rất bức xúc đó là, trong lời khai ban đầu ở xã, ông Đệ, bà Hòa chỉ khai được vài đặc điểm của con trâu. Nhưng sau đó được khai lại thì ông Đệ, bà Hòa lại khai được nhiều chi tiết đáng nghi ngờ mà cả quá trình giải quyết tại địa phương, vợ chồng ông Đệ không hề hay biết, như: trên đầu trâu có một dấu hình tròn do gia đình làm để tránh nhầm lẫn với trâu người khác; ở chân có một vết sẹo do bị dây cáp thắt, phải bới lông lên mới thấy...

Ông Trương Quốc Hiến, Trưởng công an xã Hòa Hải, người trực tiếp nhiều lần lấy lời khai và tổ Một bản án không thuyết phục của TAND huyện Hương Khê ảnh 1chức hòa giải ở địa phương nói: “Đây là sự việc hết sức nực cười bởi nếu ông Đệ, bà Hòa nêu được những đặc điểm đó trong thời gian đang hòa giải ở địa phương thì vụ việc đã không cần phải chuyển lên tòa án”.

Ông Hiến cho biết thêm: "Mỗi năm, chúng tôi đều giải quyết 5-7 vụ tranh chấp trâu bò nên có nhiều kinh nghiệm; ai ngay, ai gian, chúng tôi biết". Là người chủ trì giải quyết vụ tranh chấp này ở địa phương, ông Hiến khẳng định: con trâu đang tranh chấp không phải là trâu của ông Đệ.

Và, qua làm việc với Công an xã Hòa Hải, chúng tôi được biết: Hai người làm chứng cho gia đình ông Đệ đều là cháu của ông Đệ: anh Dũng làm chứng là người đã giữ con trâu để ông Đệ làm dấu tròn trên đầu là cháu rể; còn anh Diên, người làm chứng đã khẳng định con trâu này là trâu ông Đệ lại chính là cháu ruột. Việc đưa người thân đi làm chứng, nhân dân địa phương cho rằng hoàn toàn thiếu khách quan.

Nhiều người dân địa phương cho biết, gia đình ông Đệ đã nhiều lần bắt vật nuôi của người khác và bản thân vợ chồng ông Đệ cũng thừa nhận là có nhưng cho rằng “bắt nhầm”. Ông Đệ cũng thừa nhận, có lần “bắt nhầm” trâu của anh Lưu cùng xóm và sau đó họ đến đòi, có chứng cớ cụ thể nên ông đành chịu thua và... mua luôn con trâu của gia đình đó.

Ông Đặng Xuân Kim - PCT UBND xã: "Thời gian đang giải quyết tại địa phương, con trâu này làm gì có dấu tròn nào trên đầu đâu! Tôi cũng có nghe rằng ông Đệ đã vài lần bắt nhầm trâu người khác. Có trường hợp, bắt nhầm trâu anh Lưu cùng xóm, sau đó ông Đệ mua luôn"
Ông Đặng Xuân Kim - PCT UBND xã: "Thời gian đang giải quyết tại địa phương, con trâu này làm gì có dấu tròn nào trên đầu đâu! Tôi cũng có nghe rằng ông Đệ đã vài lần bắt nhầm trâu người khác. Có trường hợp, bắt nhầm trâu anh Lưu cùng xóm, sau đó ông Đệ mua luôn"

Qua tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi thấy, bản án sơ thẩm của TAND huyện Hương Khê xuất hiện một số vấn đề thể hiện bản án thiếu khách quan. Thứ nhất, trong khi tổ chức hòa giải, Ban hòa giải quyết định giải quyết theo cách truyền thống cũng như theo đề nghị của ông Quảng là thả con trâu tranh chấp và 2 đàn trâu của 2 gia đình, nếu con trâu đó theo đàn nào thì thuộc về trâu nhà đó nhưng phía ông Đệ lại không chấp nhận. Thứ hai, khi ông Quảng làm đơn lên TAND đề nghị giải quyết thì ông Đệ lại xin xử lý ở địa phương. Thứ ba, tại sao là trâu nhà mà ông Đệ thì khai sinh vào năm 2001, bà Hòa lại khai sinh vào năm 2005 và sau đó TAND huyện Hương Khê lại cho rằng: “khai bổ sung là quyền của ông Đệ”?! (ở thời điểm tranh chấp, con trâu này mới thay 2 răng (khoảng 4 tuổi); trong khi nếu như trâu ông Đệ khai, sinh vào năm 2001 thì đến thời điểm đó phải 8 răng, tức là khoảng 8-9 tuổi - PV). Thứ tư, cả quá trình nhiều cuộc hòa giải ở địa phương, sao ông Đệ, bà Hòa không đưa ra dấu vết là có dấu tròn ở trên đầu và dấu sẹo do dây cáp thắt ở chân để chứng minh là trâu nhà mình mà sau này mới nêu ra. Phải chăng, các dấu vết này mới được “sáng tác” trong quá trình gia đình ông Đệ nuôi giữ con trâu này hơn 6 tháng kể từ ngày xảy ra tranh chấp?!

Để nắm rõ hơn một số vấn đề xung quanh vụ việc này, chúng tôi đã trực tiếp về làm việc với UBND, Công an và UB MTTQ xã Hòa Hải cũng như một số người dân địa phương. Qua làm việc, tất cả đều phản đối kết luận của TAND huyện Hương Khê. Các ông Trương Quốc Hiến, Trưởng công an xã, Đặng Xuân Kim - Phó Chủ tịch UBND xã và Đậu Đình Nghị - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam xã Hòa Hải đều khẳng định, khi giải quyết tranh chấp ở địa phương, vợ chồng ông Đệ khai không thống nhất, chồng chéo, kể cả năm sinh và xuất xứ con trâu; mặt khác, con trâu này không hề có dấu tròn trên đầu như bây giờ. Ông Phan Văn Minh, người đâm trẹo cho trâu của 2 gia đình nói: “Tôi đâm trẹo cho trâu ông Đệ là trẹo dây cước trắng; trâu ông Quảng trẹo dây cước xanh”. Còn ông Phan Văn Nhàn, nhà sát cạnh nhà ông Đệ khẳng định, lúc ông Đệ mới đem con trâu này về, chính mắt ông trông thấy con trâu có dây trẹo màu xanh.

Không chấp nhận kết luận của TAND huyện Hương Khê, ông Quảng đã làm đơn lên TAND tỉnh xử phúc thẩm. Cán bộ xã Hòa Hải, gia đình ông Quảng cũng như một số người dân chúng tôi gặp đều mong muốn TAND tỉnh về điều tra, xác minh lại tại địa phương để xử án một cách chính xác, khách quan nhất. Ông Hiến nói: “Nhân dân Hòa Hải thường thả rông trâu bò trong rừng nên thường xuyên xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, hầu như các vụ tranh chấp đều được giải quyết dứt điểm ở cơ sở. Nếu xử như TAND Hương Khê vừa qua, chắc rồi đây chúng tôi lại càng vất vả hơn trong việc giải quyết các vụ tranh chấp vật nuôi...”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast