Nghe “bao công” trải lòng xử án...

(Baohatinh.vn) - Thẩm phán không chỉ có cái đầu lạnh mà còn cần một trái tim nóng. Đi đến phán quyết cuối cùng, những “bao công” phải trải qua cuộc đấu trí đầy căng thẳng để vẹn toàn cả lý lẫn tình. Ngoài vai trò thực thi cán cân công lý, chúng tôi còn đồng cảm, sẻ chia với những phận đời đằng sau mỗi phiên tòa...

Ám ảnh những phiên tòa

Phía sau vẻ nghiêm minh và có phần “lạnh lùng”, rời chiếc ghế chủ tọa, thẩm phán chất chứa bao nỗi niềm không phải ai cũng hiểu. Đối với họ, trả lại sự công bằng cho xã hội là niềm vinh dự nhưng đó cũng là trọng trách hết sức nặng nề. Bởi lẽ, chỉ một phán quyết sai lầm có thể lái cuộc đời con người sang một ngã rẽ khác.

nghe bao cong trai long xu an

Chủ tọa phiên tòa đưa bằng chứng để xét hỏi bị cáo trong một phiên xử

Hơn 20 năm ngồi ghế thẩm phán và là người trực tiếp xử rất nhiều vụ án ly hôn, với Chánh án TAND huyện Thạch Hà - Nguyễn Thị Hồng, day dứt nhất là số phận những đứa trẻ sau khi tổ ấm đã bị “chia đôi, xẻ nửa”.

Chứng kiến vẻ mặt non nớt, ánh mắt thơ ngây của đứa trẻ phải bước vào chốn pháp đình, khoảnh khắc chúng nói lên ý nguyện “muốn ở với bố hay mẹ” khiến chúng tôi xót xa. Chỉ tiếc rằng, nỗi đau của con trẻ không phải đấng sinh thành nào cũng có thể cảm nhận. Trong 7 tháng đầu năm, lượng án ly hôn tại Thạch Hà chiếm tỷ lệ 70%, đồng nghĩa ngày càng nhiều “thiên thần nhí” rơi vào cảnh không cha hay thiếu mẹ.

Khi các cặp vợ chồng ly hôn hết tình và không còn nghĩa, họ đổ lỗi cho nhau, chì chiết, ganh tị, tranh giành và thậm chí, dùng chính đứa con để hành hạ đối phương. Hơn 2 năm trôi qua nhưng Chánh án TAND huyện Hương Sơn Nguyễn Mạnh Cường vẫn không thể quên được giây phút cả bố và mẹ đều đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng đứa con tật nguyền. Cháu bé với hình hài không lành lặn, co quắp, run rẩy, đôi mắt đờ đẫn, ngấn nước, biểu lộ sự đau đớn tột cùng bị chính đấng sinh thành ruồng bỏ có lẽ là hình ảnh ám ảnh nhất trong cuộc đời làm thẩm phán của ông. Vị chánh án đã phải đau lòng thốt lên với người vợ: “Tại sao là mẹ mà lại khóc khi được nuôi chính con đẻ của mình?”.

Đối với những thẩm phán tại TAND tỉnh - trực tiếp xét xử các vụ trọng án, luôn phải chịu áp lực từ nhiều phía. Trong đó, day dứt nhất vẫn là lúc tuyên án tử đối với bị cáo. Mới đây nhất là vụ án tài xế taxi Nguyễn Văn Tiến giết nữ giám thị phải nhận mức án cao nhất vào ngày 26/4. Để đi tới quyết định cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, bất cứ bản cung nào, thẩm phán cũng phải đọc thật kỹ và hết sức thận trọng bởi nó liên quan đến tính mạng con người.

Từ cướp giật tài sản, đánh bạc đến cố ý gây thương tích, buôn bán ma túy hay thậm chí giết người - mỗi vụ án là một câu chuyện, sắc thái khác nhau luôn để lại cho người xét xử nhiều cung bậc cảm xúc. Không ít bị cáo đứng trước vành móng ngựa khi tuổi đời còn rất trẻ, vẫn chưa ý thức được hành vi sai trái của bản thân, còn ngô nghê trước những câu hỏi từ hội đồng xét xử. Cũng có kẻ phạm tội bản chất hiền lành, lương thiện nhưng chỉ vì một phút “nóng giận mất khôn” phải trả giá đắt. Đau lòng nhất vẫn là cuộc chiến chốn pháp đình giữa những người trong gia đình. Chính vì vậy, ngoài việc nhân danh pháp luật đưa ra mức xử phạt nghiêm minh, bằng kiến thức pháp lý vững vàng, kinh nghiệm sống dày dặn, thẩm phán còn đưa ra lời phân tích, giải thích thấu tình, đạt lý, giúp bị cáo tỉnh ngộ.

Chữ “nhẫn” làm đầu

Làm nghề gì cũng cần phải có chữ “nhẫn”, là một thẩm phán thì càng phải nhẫn nhịn hơn. Trong cuộc đời ngồi ghế quan tòa của mình, diễn biến tại phiên xét xử vụ án chống người thi hành công vụ vẫn đậm nét trong trí nhớ Chánh án TAND huyện Kỳ Anh Hoàng Ngọc Tùng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số người đã xúi giục họ “ra tay” với các chiến sỹ thực thi nhiệm vụ. Tại phiên tòa, người dân đã có lời lẽ khó nghe, thậm chí đe dọa hội đồng xét xử. Trước tình hình đó, thẩm phán phải bình tĩnh phân tích cho người dân hiểu, đồng thời, đưa ra các hình thức xử lý trong khuôn khổ luật định như mời ra khỏi hội trường hay xử phạt hành chính vì hành vi gây rối.

“Đối với những bị cáo như vậy, nếu áp dụng xét hỏi thông thường và không có sự nhẫn nại thì chắc chắn người “cầm cân” sẽ chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ” - thẩm phán Tùng bộc bạch.

Trong bối cảnh tội phạm hết sức phức tạp như hiện nay, thẩm phán càng khó tránh được sự đe dọa, uy hiếp tinh thần. Vậy nhưng, họ chẳng hề nao núng. Với tâm niệm chỉ sợ làm oan sai người vô tội chứ không sợ kẻ xấu, chưa khi nào những người thực thi công lý chùn tay trước cái ác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast