Những phận người dang dở

(Baohatinh.vn) - Người vì mưu sinh để rồi nhẹ dạ rơi vào “động quỷ”, kẻ vì đồng tiền mà bán rẻ cả lương tâm. Kết cục, số phận những con người này đều lở dở ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Ký ức kinh hoàng

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Hồ Thị Thảo (SN 1991, trú tại xóm Yên Ngư, xã Xuân Yên, Nghi Xuân) và Hoàng Thị Luyến (SN 1996, trú tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, Yên Bái) về tội danh “Mua bán người” thêm một lần nữa khơi lại nỗi đau trong tâm can nạn nhân Hồ Thị Thắm (*) (SN 1996, trú tại Văn Chấn, Yên Bái). Dù chưa bước qua tuổi 18 nhưng nét hồn nhiên, chân chất của cô gái miền sơn cước đã “nhường chỗ” cho niềm u uất phảng phất trên gương mặt. Đau đớn nghe từng tình tiết được vị đại diện viện kiểm sát thuật lại, Thắm dõi đôi mắt đầy căm phẫn về phía 2 kẻ làm hại cuộc đời mình.

Những phận người dang dở ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa

Xuất thân trong gia cảnh khó khăn, cô sơn nữ luôn ấp ủ giấc mộng thoát nghèo. Cũng vì thế, khi nghe Luyến rỉ tai vào TP Vinh bán quần áo, “dắt túi” 4 triệu đồng/tháng, vừa có công việc ổn định lại đỡ đần gánh nặng cho gia đình, cô gật đầu không chút do dự. Nhưng điều Thắm không thể ngờ tới, người bạn mà cô nhất mực tin tưởng đã bán cô cho Hồ Thị Thảo với giá rẻ mạt – 1 triệu đồng. Khi giấc mơ đổi đời chưa kịp nhen nhóm, cuộc sống của cô đã rẽ sang hướng khác, tăm tối và ô nhục…

Trái với viễn cảnh ngồi quầy bán quần áo ở TP Vinh mà Luyến vẽ ra, Thắm bị giam cầm trong nhà hàng của gia đình Thảo (Xuân Yên, Nghi Xuân) để làm “trò chơi” cho khách qua đường. Không chấp nhận bán dâm, Thắm bị “má mì” Hồ Thị Thảo chửi bới, đánh đập. Cô tìm đủ mọi cách để bỏ trốn nhưng bất thành. Biết chỉ có ngoan ngoãn làm theo ý bà chủ mới có cơ hội trở về, Thắm nhắm mắt dấn thân vào những cuộc hoan lạc. Ngày nhiều nhất, cô phải phục vụ 7 lượt người và mỗi lần bán dâm, được Thảo trả 70 ngàn đồng từ 150 ngàn đồng chi phí khách đưa.

Nghĩ Thắm đã chấp nhận sống cảnh “làm dâu trăm họ”, Thảo yên tâm để cô tự đi chợ sắm sửa thêm quần áo. Biết cơ hội đã đến, Thắm men theo con đường dọc bờ biển chạy thoát thân. Đến địa phận TP Vinh, lân la hỏi được xe chạy tuyến Yên Bái, cùng số tiền ít ỏi được bố mẹ phòng bị trước đó, cô vội vã bắt xe về nhà. Cuộc đoàn tụ của cô gái tội nghiệp với gia đình đã đến trong vô vàn nước mắt, sung sướng vỡ òa và xót xa, tủi nhục.

Luôn theo sát Thắm trong phiên tòa, bà Hoàng Thị C. chốc chốc đưa bàn tay chai sạn vỗ vai con trấn an. “Nghe người ta nói ngon ngọt, con đi làm một tháng kiếm được 4 triệu đồng, một năm cũng ngót nghét 50 triệu đồng. Cũng vì nghèo quá mà đồng ý. Ai ngờ… Hồi trước, bạn bè nó đông lắm, nhưng giờ chẳng một ai thèm hỏi han” - mẹ nạn nhân cay đắng kể lại, từng giọt nước mắt mặn chát rơi trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà vùng cao.

Để có tiền đi ô tô vào dự buổi xét xử, vợ chồng bà xoay xở đủ mọi cách nhưng trong nhà chẳng có thứ gì bán nổi với giá một triệu đồng. “Lúc sáng, vay mãi mới được 2 triệu đồng để trả tiền xe nhưng vẫn phải nợ họ mấy trăm ngàn đồng. Nhà ở tít trên vùng cao, xe đi tất cả 610 km/lượt mà người ta tính 6 ngàn đồng/km…”, lời sẻ chia chân thật của người mẹ chất phác, lam lũ khiến lòng người nhói lên nỗi xót xa.

Nước mắt kẻ buôn người

Trước vành móng ngựa, 2 bị cáo Hồ Thị Thảo và Hoàng Thị Luyến nép vào nhau. Từng lời cáo buộc của nạn nhân khiến 2 thân thể gầy gò thu mình lại. Chỉ mới 18 tuổi nhưng Luyến đã có một tiền sự về hành vi “mại dâm” và bị Công an TP Hải Dương xử phạt hành chính. Nhìn cô gái với khuôn mặt non nớt, lạc giọng trả lời hội đồng xét xử (HĐXX), chẳng ai có thể ngờ Luyến lại “cả gan” dám làm chuyện “động trời”.

Còn Thảo, cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo xin được HĐXX xem xét, giảm nhẹ cho “đàn em” bởi Luyến về quê dưỡng bệnh cho bố nên phải tìm người thay thế theo yêu cầu của Thảo. Riêng số tiền 1 triệu đồng - mức “giá” Luyến bán Thắm cho Thảo, bị cáo giãi bày với HĐXX là khoản chi phí thăm hỏi, để Luyến lo thuốc men chữa bệnh cho đấng sinh thành.

“Tại sao cùng là phụ nữ và nếm trải đủ mọi tủi nhục trong nghề nhưng các bị cáo vẫn nhẫn tâm kéo người khác vào vũng bùn, làm hại cuộc đời họ?” - tiếng một vị trong HĐXX vang lên. Luyến ôm mặt khóc rấm rức: “Vì cuộc sống quá khó khăn mà bị cáo mới dại dột như vậy. Bố chồng bị cáo mang trọng bệnh vừa mất chưa được 2 năm thì chồng cũng ra đi, để lại cho bị cáo mẹ già và 2 con nhỏ. Bị cáo thực sự ân hận lắm”, Thảo nấc lên từng tiếng. Chồng Hồ Thị Thảo – anh Phạm Văn Thời (SN 1982, ngụ Xuân Yên, Nghi Xuân) đã ra đi khi quên mình cứu các ngư dân gặp nạn trên biển. Hành động dũng cảm của anh Thời đang được UBND xã Xuân Yên đề nghị vinh danh và Chủ tịch nước gửi lời chia buồn sâu sắc.

Với những tổn thất về thể xác và tinh thần, Hồ Thị Thắm một mực đề nghị HĐXX xem xét, xử lý Thảo đúng với hành vi thị đã gây ra. Ngoài ra, nạn nhân đề nghị bị cáo Thảo phải bồi thường cho cô số tiền 60 triệu đồng. Riêng Hoàng Thị Luyến, Thắm không yêu cầu bồi thường về mặt dân sự, bởi “Luyến không cố ý làm hại đời cháu”.

Chủ tọa phiên tòa nhận định: “Xem con người là mặt hàng để trao đổi bằng tiền, hành vi của các bị cáo là đi ngược lại đạo lý, trái với thuần phong mỹ tục. Vì vậy, việc cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian là điều cần thiết”. Trả giá cho bước đi sai lầm, Hồ Thị Thảo lãnh mức án 5 năm tù giam, đồng thời phải bồi thường cho nạn nhân 6,5 triệu đồng. Và 3 năm tù cùng khoản tiền bồi thường 5 triệu đồng là “cái kết” dành cho Hoàng Thị Luyến.

Những kẻ buôn người đã bị pháp luật trừng trị, nhưng rồi đây, những ám ảnh, đau đớn về tinh thần của Thắm và của những cô gái tội nghiệp bị tráo đổi đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai?

(*) Họ, tên nạn nhân đã được thay đổi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast