Những phiên tòa không còn vành móng ngựa

(Baohatinh.vn) - Bắt đầu từ tháng 1/2018, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) các cấp áp dụng mô hình bục khai báo thay cho vành móng ngựa theo tinh thần Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC/2017 quy định về phòng xử án. Chiếc vành móng ngựa nhường chỗ cho bục khai báo được đặt trước mặt bị cáo mang ý nghĩa biểu trưng cho nguyên tắc “suy đoán vô tội”…

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Quang Chung (SN 1981, trú xã Sơn Diệm, Hương Sơn) và đồng bọn về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào ngày 25/1/2018, không ít người dự khán đã tinh ý nhận ra sự khác biệt trong phòng xử án. Chiếc vành móng ngựa - vật đã gắn liền với hình ảnh của các bị cáo tại phiên tòa hình sự, nơi chứng kiến bao câu chuyện chốn pháp đình, “lắng nghe” những lời trình bày của người phạm tội… được thay thế bằng chiếc bục khai báo.

nhung phien toa khong con vanh mong ngua

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và gây rối trật tự công cộng trong phiên tòa sơ thẩm ngày 30/1/2018.

“Khi buộc bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa như các phiên tòa trước, dù chưa tuyên án, song đã tạo cảm giác ngăn cách họ ra khỏi đời sống xã hội. Việc thay thế bằng bục khai báo đã giảm bớt không khí “ngột ngạt” tại phiên xử” - ông Đặng Đình Ất (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) - người trực tiếp tham gia phiên tòa bày tỏ quan điểm.

Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 01 của TAND tối cao, kể từ ngày 1/1/2018, bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của hội đồng xét xử. Không chỉ tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo dõi diễn biến phiên tòa, bục khai báo còn tăng cường vai trò trung tâm của hội đồng xét xử trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa.

Là người trực tiếp điều hành phiên xét xử bị cáo Đặng Bá Lộc (SN 1986, trú xã Nghi Thạch, Nghi Lộc, Nghệ An) với tội danh “vận chuyển trái phép chất ma túy”, Phó Chánh án TAND tỉnh Bùi Văn Lam phân tích: “Sự thay đổi này đảm bảo được các yếu tố quan trọng trong công tác xét xử. Không chỉ đảm bảo quyền con người, bục khai báo còn thể hiện đúng tinh thần nguyên tắc suy đoán vô tội khi bản án chưa có hiệu lực, đồng thời, các bị cáo được đảm bảo quyền bình đẳng trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh sự thay đổi về mô hình phòng xử án hình sự, nếu những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình sẽ đưa đến một phiên tòa đúng tinh thần cải cách tư pháp”.

Đồng quan điểm với Phó Chánh án Lam, luật sư Phan Văn Chiều (Văn phòng Luật sư An Phát) nhấn mạnh, theo Hiến pháp 2013 và nguyên tắc suy đoán vô tội trong hình sự, không ai là người có tội khi chưa bị bản án có hiệu lực của tòa án kết tội.

“Khi xét xử chưa biết bị cáo có tội hay không, nhưng với việc bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa đã phần nào tạo tâm lý của bị cáo nói chung và cả những người tiến hành tố tụng nói riêng rằng, bị cáo là người có tội. Vì vậy, bục khai báo sẽ tạo cho bị cáo tâm lý thoải mái hơn để khai toàn bộ hành vi, sự việc, ngay cả trong trường hợp không có sự trợ giúp từ luật sư bào chữa. Bục khai báo còn tạo thuận lợi cho bị cáo trong quá trình trình bày các vật chứng, chứng cứ tại phiên xử” - luật sư Phan Văn Chiều chia sẻ.

Tuy vậy, Phó Chánh án TAND tỉnh Bùi Văn Lam cũng cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi về hình thức phải đi kèm với nội dung. Có như vậy mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast