Nước mắt từ những phiên tòa

(Baohatinh.vn) - Trong những phiên tòa hình sự, đặc biệt là các vụ án giết người, bao dòng nước mắt nghẹn ngào tuôn. Đó là nước mắt hối hận, ăn năn của kẻ gây án, nước mắt tức tưởi, nhớ thương của thân nhân người bị hại, nước mắt chia sẻ, xót đau của những người tham dự phiên tòa. Trong đó, tiếng khóc của những em bé vẫn luôn là nỗi ám ảnh, day dứt nhất đối với những người chứng kiến. Bởi dù là con của bị cáo hay bị hại thì vĩnh viễn, các em vẫn là nạn nhân.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm Trần Văn Đức
Phiên tòa xét xử phúc thẩm Trần Văn Đức

Phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Tiến về tội danh “Giết người” chốc chốc lại bị ngắt quãng bởi tiếng rên ư ử phát ra từ cổ họng yếu ớt của một đứa trẻ. Vành khăn trắng quấn trên đầu em Trịnh Xuân T. (SN 2004) một cách vô thức. Tiếng rên của đứa trẻ bị di chứng chất độc da cam không hẳn là tiếng khóc tiếc thương người mẹ của mình đã bị Nguyễn Văn Tiến cướp đi mạng sống. Mà có lẽ, đó là tiếng gọi bản năng.

“Quắp” đứa em trai trên tay, mới 14 tuổi nhưng trông gương mặt Trịnh Vũ C. già sắt lại. Nước mắt đẫm ướt khuôn mặt gầy đen, C. mếu máo: “Mất mẹ rồi, ai sẽ chăm sóc em đây. Kể từ khi mẹ mất, đêm nào em cũng khóc nhưng không dám khóc thành tiếng vì sợ bố biết, bố rất đau lòng”.

Mất mẹ, mất bàn tay chăm sóc, vỗ về, ấp yêu. Mất bố, mất chỗ dựa, trụ cột chính trong gia đình. Tuy mới 6 tuổi, chưa ý thức hết nỗi đau mất mát nhưng trong phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trần Văn Đức phạm tội “Giết người” mới đây, cháu T. - con của người bị hại thỉnh thoảng lại khóc sụt sùi. Mẹ T. ôm con vào lòng, tức tưởi: Nó còn bé quá, đã biết gì đâu. Kể từ khi bố mất, thỉnh thoảng cháu lại hỏi: Bố đâu mà không đưa con đi cắt tóc. Những lúc như thế, nói dối con mà lòng tôi quặn thắt. Hình như đến phiên tòa phúc thẩm này, cháu đã lờ mờ nhận ra là bố sẽ vĩnh viễn không về nên cứ khóc không dỗ được.

Không vĩnh viễn mất bố, mất mẹ nhưng không vì thế mà dòng nước mắt trên gương mặt những người con của các bị cáo ít mặn chát hơn. Nhìn con trai của bị cáo Trần Đình Nhất ngây thơ, vồ vập ôm lấy cổ bố, ré lên cười khi Nhất hôn vào má, nhiều người không cầm được nước mắt. Thiên thần bé nhỏ đâu biết rằng, sau nụ hôn đó, bố của em sẽ phải “đi xa” 12 năm 6 tháng với tội danh “Giết người”. Hôm nay, bé hồn nhiên, không khóc nhưng chắc rằng, khi lớn lên, sẽ có nhiều đêm em khóc thầm bởi thiếu vắng sự chở che, dạy bảo của người cha. Và sau hơn 12 năm đằng đẵng, khi Nhất chấp hành xong hình phạt trở về, ngày đoàn tụ liệu con trai sẽ khóc trong mừng vui hay oán giận. Ai dám chắc ở thời điểm đó, khi con trai Nhất đã bước vào tuổi 14-15, tâm lý không bị ảnh hưởng tiêu cực của tội ác mà y gây ra hôm nay.

Dự cảm về tình cảm của Trần Đình Nhất và con trai ngày sau cũng chính là thực trạng buồn trong phiên tòa xét xử lưu động Nguyễn Văn Đàn phạm tội “Giết người”. Lúc phạm tội, Đàn đã có 5 người con, đứa lớn sinh năm 1994, nhỏ nhất sinh năm 2007. Ngày xét xử Đàn, các con y có mặt. Dù rất thương bố, đau xót cho hoàn cảnh của bố nhưng những đứa lớn cứ lẳng lặng khóc, lẳng lặng nhìn. Chúng không trách, không giận nhưng có lẽ chúng đang tự vấn, tại sao ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” như bố nó lại gây ra lầm lỗi, lại phạm tội ác tày trời này. Và tôi biết, trước bà con xóm làng, chúng đang mặc cảm vì tội lỗi của bố đã gây ra. Nước mắt chảy ngược.

Chỉ vì những phút “điên”, không làm chủ được bản thân mình, Nhất, Đàn, Đức, Tiến đã nhúng tay vào tội ác. Hành vi mất nhân tính của các bị cáo trong những vụ án “Giết người” đã trực tiếp cướp đi mạng sống của người bị hại, để bao dòng nước mắt tuôn rơi. Sau mỗi phiên tòa, những dòng nước mắt tức tưởi của con trẻ sẽ là hình phạt dai dẳng, ám ảnh nhất đối với các bị cáo trong suốt những năm tháng ở trại giam. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai nỗi đau, hình phạt tù rồi cũng sẽ được chấp hành xong. Mong rằng, những người con - nạn nhân gián tiếp của các vụ án sớm vượt qua nỗi đau, bù đắp được những mất mát trong cuộc sống. Và hy vọng rằng, ngày càng ít đi những dòng nước mắt trong các phiên tòa!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast