Phạm tội vì “mù” luật

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần thực hiện nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, với một bộ phận người dân, pháp luật đôi khi vẫn đang là một khái niệm mơ hồ. Và, hệ luỵ của nó là một số đối tượng đã phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề cho hành vi phạm tội của mình vì “mù” luật.

Mới được gia đình sắm cho “con xe”, chiều chiều Dương Văn Quyền (SN 1988), Dương Phúc Đồng (SN 1991), Bùi Công Bình (SN 1990), Bùi Văn Hùng (SN 1992) cùng trú tại xã Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh và Hồ Sỹ Cường, Biện Văn Giang thường rủ nhau dạo phố. Chiều hôm ấy, khi đi chơi trên tuyến đường nam Cầu Cày từ xã Thạch Đồng hướng về Quốc lộ 1A thì gặp anh Lê Hữu Phát và chị Nguyễn Thảo Linh đi ngược chiều. Cho rằng anh Phát “nhìn đểu”, nổi máu “anh hùng”, Bình bảo cả bọn chặn đánh. Khi anh Phát bỏ chạy, Cường đuổi kịp và buộc phải móc túi đưa cho Cường 125.000 đồng và 1 chiếc máy điện thoại. Sau khi bỏ đi được một đoạn, thấy anh Phát đang gọi điện thoại nên cả bọn lại quay lại đánh và cướp một chiếc điện thoại của chị Linh.

Thiếu kiến thức pháp luật, nhiều đối tượng vị thành niên đã sa vào con đường phạm pháp
Thiếu kiến thức pháp luật, nhiều đối tượng vị thành niên đã sa vào con đường phạm pháp

Sau đó, cả bọn kéo nhau đi chơi tiếp. Chúng bán 2 chiếc điện thoại cướp được với giá 450 ngàn đồng. 6 tên chia nhau mỗi đứa 50 ngàn, số tiền còn lại… “tiêu xài hết”. Cường, Quyền, Đồng, Bình, Hùng, Dương, Giang tỏ ra rất vui vì “không thằng nào nhát gan”, đã “đánh một trận sướng tay” còn có "chiến lợi phẩm". Chúng đâu biết rằng tính chất hành vi của mình là nghiêm trọng mà chỉ nghĩ đơn giản rằng “đánh cho bỏ ghét” và lấy “ít tiền tiêu cho vui”. Chỉ đến khi bị bắt, 6 tên mới biết hành vi của mình đã cấu thành tội “Cướp tài sản”. Tại toà, các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối cải. Chỉ vì một phút bốc đồng, cái giá cao nhất phải trả giành cho Dương Văn Quyền là 6 năm tù giam.

Cũng vì thiếu kiến thức pháp luật, Nghiêm Lê Tuấn Anh (SN1992) và Trần Hoàng Vũ (SN 1992) đều trú tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) đã phạm tội “Cướp giật tài sản”. Bọn chúng giật chiếc túi xách của một người cùng xã, tài sản cướp được 58 ngàn đồng và một chiếc điện thoại bán được 30 ngàn đồng. Khi thực hiện hành vi, Tuấn Anh và Vũ chỉ nghĩ đến là giật lấy mà trong đầu chúng không hình dung là sẽ cướp như thế nào, tài sản sẽ lấy được là bao nhiều và hậu quả pháp lý phải gánh chịu ra sao. Để rồi khi bị bắt, chúng mói biết hành vi của mình là phạm tội.

Vẫn còn nhiều vụ án nảy sinh chỉ vì người phạm tội không biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn một số tồn tại nhất định. Có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chưa đến được với mọi tầng lớp dân cư. Để công tác phổ biến giáo dục phát luật phát huy hiệu quả, đòi hỏi các cấp chính quyền, các ngành chức năng, cộng đồng dân cư và ngay trong mỗi gia đình phải nâng cao hơn nữa tình thần trách nhiêm, phối hợp chặt chẽ hơn. Có như thế mới hạn chế được những vụ án đáng tiếc xảy ra, ngăn ngừa tội phạm nảy sinh chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast