Siêu lừa với vỏ bọc một giáo viên mẫu mực...

(Baohatinh.vn) - 5 năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, phó tổ trưởng chuyên môn tại một trường THPT ở Hà Tĩnh, người đảng viên “gương mẫu” đã trở thành vỏ bọc hoàn hảo giúp bị cáo tạo dựng được niềm tin với người khác nhằm động cơ chiếm đoạt tài sản. Từ một giáo viên mẫu mực, người phụ nữ trẻ tuổi đã phải tra tay vào còng số 8 với tội danh lừa đảo.

Siêu lừa với vỏ bọc một giáo viên mẫu mực... ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Thị Mai thành khẩn khai báo tại phiên tòa.

Chiều 6/10/2015, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa, tuyên án bị cáo Nguyễn Thị Mai (SN 1979, trú thị trấn Nghi Xuân) về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 13 bị hại của Mai vượt chặng đường xa xôi đến dự phiên tòa. Gương mặt ai nấy không giấu được vẻ mệt mỏi, lo lắng.

Bước vào phiên xét xử, vị đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng về quá trình phạm tội của Nguyễn Thị Mai. Trong thời gian 3 năm (từ 2010 đến cuối 2012), Mai đã vay của 11 cá nhân với tổng số tiền 3.693.726.000 đồng với mục đích cho người khác vay lại và đầu tư kinh doanh trang trại nuôi lợn tại Lào cùng với bà Bùi Thị Hoa (trú xã Sơn Tây, Hương Sơn).

Tuy nhiên, trái với dự định ban đầu của Mai, việc kinh doanh bị thua lỗ, số tiền cho người khác vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch cũng không thu hồi được. Đến đầu tháng 1/2013, Mai mất khả năng thanh toán các khoản vay trước đó.

Để có tiền trả lãi và nợ gốc cho các chủ nợ cũ, Mai đã “rót mật vào tai” các bị hại, bằng những lời như: cần tiền để cho người khác vay lại, vay cho em trai làm thủ tục du học và mượn giúp anh rể làm thầu xây dựng trả tiền cho công nhân, vay tiền đảo khế ngân hàng… nhằm chiếm đoạt tiền của họ. Từ tháng 6/2013, Nguyễn Thị Mai đã lừa đảo chiếm đoạt của 13 người với tổng số tiền 3.026.280.000 đồng.

Điều đáng nói, các nạn nhân hầu hết là người thân quen của Mai, trong đó, có đồng nghiệp và cả phụ huynh học sinh. Với vỏ bọc một giáo viên có chuyên môn giỏi, phương thức thủ đoạn vay với lãi suất cao, bị cáo đã tạo được niềm tin cho người khác. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Mai đã chiếm số tiền lớn từ các bị hại. Khi sự việc bị phát giác, không có khả năng trả nợ, Mai đã tìm cách lẩn trốn. Song, biết không thể trốn được lâu, Nguyễn Thị Mai quay về, khóc lóc, cầu xin các bị hại tha thứ.

Những tưởng, sau những sai lầm của bản thân, Mai sẽ biết ăn năn, hối cải. Vậy nhưng, tại phiên tòa, Nguyễn Thị Mai càng khiến các bị hại bức xúc bởi thái độ có phần thách thức. Khi được hội đồng xét xử hỏi về số tiền đã chiếm đoạt, bị cáo ráo hoảnh trả lời không nhớ đã trả cho ai, tiêu xài với mục đích gì. “Con tôi là học sinh của Nguyễn Thị Mai. Do biết hoàn cảnh gia đình chúng tôi khó khăn, Mai đã hứa hẹn cho vay tiền nhằm mục đích sinh lời. Để thêm phần tin tưởng, thị đã đưa bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi cho tôi giữ để làm tin, ai ngờ...”, một phụ huynh cay đắng.

Những bị hại đến dự phiên tòa không khỏi phẫn nộ trước thái độ thách thức của bị cáo. Phần lớn họ đang lo lắng, bồn chồn bởi không ít người giấu giếm gia đình mang tiền cho Nguyễn Thị Mai vay. “Quá tin tưởng vào Mai, tôi đã không ngần ngại giấu chồng cho thị mượn tiền. Những ngày qua, tôi luôn sống trong bất an, bởi nếu một ngày chồng tôi biết sự việc, hạnh phúc gia đình cũng khó mà níu giữ...”, một trong 13 bị hại nói trong nước mắt.

Với hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn, gây dư luận xấu trong nhân dân, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Mai 16 năm tù giam, đồng thời, phải trả lại toàn bộ số tiền cho các bị hại. Hội đồng xét xử cũng xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Mai thực hiện vào thời điểm sau khi làm ăn thua lỗ (năm 2013). Các giao dịch vay tài sản đã thực hiện trước năm 2013 là giao dịch dân sự bởi tại thời điểm đó, bị cáo không lừa dối bị hại, không sử dụng tiền sai mục đích sau khi vay được và chưa mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, điều không ai ngờ tới, sau khi nghe bản án tòa đã tuyên, chồng bị cáo có hành vi và lời nói mang tính đe dọa, dằn mặt các bị hại; thêm vào đó, Nguyễn Thị Mai vẫn tự đắc với câu nói thách thức “vào ăn cơm tù sướng hơn ở ngoài!”.

Chỉ vì túng quẫn trong làm ăn, Nguyễn Thị Mai đã “bỏ quên” nhân cách, đạo đức của bản thân. Hành vi của bị cáo không chỉ làm mất uy tín của các giáo viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành Giáo dục mà còn là gốc rễ đổ vỡ của bao gia đình. Mong rằng, những năm tháng trong trại giam sẽ giúp bị cáo nhìn nhận lại sai lầm. Đây cũng là bài học đắt giá cho không chỉ riêng 13 bị hại mà cả những người khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast