Tạo hành lang thông thoáng trong thực hiện quyền khởi kiện hành chính

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, các vụ án hành chính do tòa án 2 cấp thụ lý, giải quyết ngày càng tăng.

Qua 2 năm triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính:

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Nếu như từ năm 2005-2010, tòa án 2 cấp chỉ thụ lý, giải quyết 2 vụ án hành chính thì từ năm 2011-2013, số lượt công dân gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến tòa án 2 cấp lên đến gần 400; số vụ án hành chính được tòa án 2 cấp thụ lý, giải quyết trên 50 vụ. Đây có thể coi như một tín hiệu đáng mừng, thể hiện việc Luật Tố tụng hành chính (TTHC) từng bước đi vào cuộc sống, khẳng định vai trò trong việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về TTHC.

Sự gia tăng đáng kể số vụ khởi kiện hành chính đến tòa án trong các năm gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh được lý giải trên 2 góc độ. Thứ nhất, cùng với việc thực hiện công cuộc CNH-HĐH và phong trào xây dựng NTM, tốc độ phát triển kinh tế của cả tỉnh nói chung và một số địa phương ngày càng tăng, cùng với đó là tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Thực tiễn cho thấy, ở những địa phương có tốc độ phát triển KT-XH mạnh như: Vũ Quang, Kỳ Anh, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh... thời gian qua xẩy ra nhiều khiếu kiện hành chính, do quá trình thực hiện các chương trình, dự án nẩy sinh nhiều vấn đề làm cho người dân cho rằng, quyền, lợi ích chính đáng của mình bị ảnh hưởng.

Nhưng, vấn đề thứ 2, có ý nghĩa quan trọng, chính là do Luật TTHC có hiệu lực thi hành, với việc quy định đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, loại bỏ bớt các thủ tục tiền tố tụng, kéo dài thêm thời hiệu khởi kiện so với các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính của mình.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính của tòa án, tỷ lệ vụ án được thụ lý, giải quyết còn thấp (chưa đến 15%). Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do số đơn khởi kiện, người khởi kiện, nội dung, thẩm quyền và thời hiệu không đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tòa án đã yêu cầu bổ sung, sửa đổi nhưng không có kết quả nên không được thụ lý (trả đơn khởi kiện) và chưa được xử lý. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp do tòa án còn chậm trễ, lúng túng trong việc nghiên cứu, xử lý đơn khởi kiện, vi phạm thời hạn nhận và xem xét đơn khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật TTHC.

Kết quả giải quyết các vụ án hành chính thời gian qua cho thấy, có trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước đã có những vi phạm, sai sót trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ như: giao đất không đúng thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy trình, đối tượng… Những vụ việc này, tòa án tuyên buộc khắc phục hậu quả, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân. Bên cạnh đó, ở một số vụ việc, trong quá trình thực thi công vụ, cơ quan nhà nước có những thiếu sót nhất định về việc chấp hành quy trình, thủ tục hành chính theo quy định dẫn đến việc khởi kiện.

Những sai sót đó không làm ảnh hưởng tới kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước, quyền lợi hợp pháp của công dân vẫn được đảm bảo. Vì thế, tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công dân, buộc tuyên hủy quyết định hành chính, thay đổi hành vi hành chính bị khởi kiện. Trong hoạt động TTHC, những vụ việc người dân khởi kiện không có cơ sở chiếm tỷ lệ khá cao. Trong thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chấp hành đúng quy định của pháp luật, áp dụng đầy đủ các chính sách, chế độ cho người dân khi thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng họ vẫn cho rằng, quyền lợi của mình bị xâm phạm và tiến hành khởi kiện đến tòa án. Thậm chí, có những trường hợp bị chi phối bởi những tác động tiêu cực từ bên ngoài, hoặc vì tâm lý đám đông mà dẫn đến cả xã cùng đi kiện, gây nên những bất ổn trong nhân dân.

Pháp luật TTHC, bên cạnh vai trò điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình TTHC, còn là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và là phương tiện bảo đảm pháp chế XHCN. Bằng việc thực hiện chức năng xét xử các tranh chấp hành chính, tòa án có quyền và nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định xử lý đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính có vi phạm, qua đó làm hoàn thiện thêm cơ chế xử lý các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật, giúp bộ máy hành chính nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn trong thực thi công vụ.

Để Luật TTHC đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò quan trọng của nó, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính thì việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử vụ án hành chính cần được cơ quan tố tụng chú trọng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành cho nhân dân, quan tâm đúng mức công tác dân vận nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân khi triển khai các chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh cũng là vấn đề cần được sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast