Thành phố Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

(Baohatinh.vn) - Việc tổ chức các phiên tòa giả định trên địa bàn TP Hà Tĩnh trong dịp tết Tân Sửu 2021 đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với các loại tội phạm về pháo, ma túy…

Thành phố Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Ngày 23/1/2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Tĩnh phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp, phường Văn Yên, tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về phòng chống pháo nổ và quản lý, sử dụng pháo nổ cho người dân trên địa bàn.

Ngày 23/1/2021, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Tĩnh và tòa án nhân dân (TAND) cùng cấp phối hợp với UBND phường Văn Yên và Đoàn Thanh niên phường tổ chức phiên tòa giả định; tuyên truyền pháp luật phòng chống pháo nổ và quản lý, sử dụng. Trong khuôn khổ chương trình, khán giả được theo dõi vụ án “Buôn bán hàng cấm” từ quá trình phạm tội của bị cáo đến phiên tòa xét xử.

“Việc tái hiện sinh động vụ án có thật, các diễn viên ở vai trò hội đồng xét xử, kiểm sát viên, bị cáo… cũng như tham gia trả lời câu hỏi sau phiên tòa giả định đã giúp chúng em nhận thức đầy đủ hơn về quy định pháp luật nghiêm cấm đối với hành vi buôn bán pháo nổ; đặc biệt là khi Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2021”, em Nguyễn Thị Minh Hằng (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.

Thành phố Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Phiên tòa giả định đưa đến cho các em học sinh, đoàn viên thanh niên có cách tiếp cận mới về các hành vi của tội phạm liên quan đến sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đó, trong 2 ngày 11/12 và 14/12/2020, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng và THPT Thành Sen cũng đã đúc rút những điều cần suy ngẫm khi chứng kiến phiên tòa giả định liên quan tới các vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Phiên tòa giả định với các tình tiết lôi cuốn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên trong nhà trường. Thông qua các phiên tòa giả định giúp học sinh hiểu rõ tác hại của ma túy, hành vi nguy hiểm và hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm. Cùng với việc tham gia câu hỏi tình huống, học sinh đã thể hiện được sự hiểu biết, nhận thức về tác hại của ma túy trong học đường.

Theo đánh giá từ phía cán bộ, giáo viên và các em học sinh, phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý đến gần hơn với người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan, mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” để từ đó phòng tránh những vi phạm tương tự.

Thành phố Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Học sinh Trường THPT Thành Sen hào hứng theo dõi các tiểu phẩm tại một phiên tòa giả định (ảnh tư liệu Nguyễn Oanh).

Viện trưởng VKSND thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đức cho biết: Từ 11/12/2020 - 23/1/2021, VKSND thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng Tư pháp, Thành đoàn Hà Tĩnh và TAND cùng cấp… tổ chức thành công 3 phiên tòa giả định nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Việc tổ chức phiên tòa giả định có các ưu điểm như chủ động về mặt thời gian, nội dung thể hiện trực quan, sinh động. Không chỉ dừng lại ở việc “sân khấu hóa” những vụ án, tình huống pháp lý, sau khi kết thúc phiên tòa, học sinh còn được tham gia hỏi đáp các tình huống xoay quanh vụ án và các vấn đề pháp lý thường gặp trong cuộc sống.

Thông qua các phiên tòa này, ngoài việc được trang bị thêm kiến thức pháp luật, học sinh cũng có cơ hội hiểu thêm hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng; từ đó góp phần phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong cộng đồng.

Thành phố Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân

Phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ.

Từ hiệu quả phiên tòa giả định mang lại, thời gian tới, VKSND thành phố Hà Tĩnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều phiên tòa giả định gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể.

Trong quá trình tổ chức, chú ý đến việc chọn lọc, biên soạn nội dung kịch bản phù hợp với từng đối tượng; tình tiết, nội dung vụ án rõ ràng, dễ hiểu. Đặc biệt, nội dung được lấy từ những vụ án có thật trong thực tiễn xét xử, được dư luận quan tâm để tạo ảnh hưởng lớn đến nhận thức pháp luật của người tham gia.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast