Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản pháp luật

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Năm vừa qua, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh.

thu tuong yeu cau day nhanh tien do soan thao van ban phap luat

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. (Nguồn: moj.gov.vn)

Sáng 3/6, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có cuộc trao đổi với phóng viên về nội dung này.

Thưa Bộ trưởng, trong Báo cáo Bộ Tư pháp trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 5/2016 có nêu tình trạng còn nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật có hiệu lực trước và kể từ ngày 1/7/2016 chưa được ban hành. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Lê Thành Long: Đây là một thực tế, sáng nay trong cuộc họp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành cùng với Bộ Tư pháp đã rà soát lại và cập nhật các con số về Nghị định và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2016.

Con số cho thấy đến bây giờ còn 86 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành. Trong đó có 37 Nghị định, Quyết định cần được ban hành để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và thậm chí một số luật có hiệu lực trước đó. Số còn lại là 49 Nghị định quy định các điều kiện về đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư cũng phải được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Đây là con số tương đối lớn.

Chúng tôi cũng nhìn nhận rằng trước hết Chính phủ quyết tâm để ban hành đầy đủ, thể chế và ban hành các thể chế có chất lượng, kịp thời, không để khoảng trống pháp luật, vì vậy phải quyết tâm thực hiện và hưởng ứng chủ trương đó của Chính phủ.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là số lượng luật, pháp lệnh và các yêu cầu đặt ra khá lớn và phải thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Thứ hai, một số nội dung cần hướng dẫn, quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh tương đối mới và phức tạp. Thứ ba, cũng có ý kiến và cách hiểu khác nhau, thế nào là điều kiện kinh doanh, thế nào là quy chuẩn, tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật...

Trong một số trường hợp thì các luật, pháp lệnh cũng chưa quy định rõ. Điểm nữa vì số lượng lớn nên các bộ, ngành phải rất cố gắng và Bộ Tư pháp phải căng sức ra để thẩm định, nên cả cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra của Văn phòng Chính phủ cũng chịu sức ép, đó là thực tế.

- Để triển khai thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Chính phủ phải ban hành một lượng nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trước ngày 1/7/2016, nhưng đến nay nhiều văn bản chưa được ban hành. Vấn đề này được giải quyết thế nào khi thời điểm 1/7 đang đến gần, thư Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Thành Long: Chúng ta phải nói thêm một chút về nguyên nhân tại sao lại chậm như vậy. Thứ nhất, đúng là có sự chậm trễ của các cơ quan chủ trì soạn thảo, có luật có hiệu lực cả năm rồi nhưng một số cơ quan vẫn chưa tranh thủ được thời gian để soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn. Thứ hai là sự phối hợp của một số cơ quan bộ, ngành cũng chưa được như yêu cầu, mong muốn. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm, như vậy trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc cơ quan chủ trì soạn thảo của các bộ, ngành.

Về phía Bộ Tư pháp đã làm việc hết công suất, có ngày phải thẩm định đến tám văn bản và phải sử dụng hết các phòng họp mà Bộ có. Chúng tôi đã thành lập các Hội đồng thẩm định, có văn bản sang là tiến hành thẩm định ngay.

Bộ Tư pháp cũng cử các chuyên gia đến từng bộ, ngành, đặc biệt là nơi có khó khăn, vướng mắc để có hiến kế về pháp lý, cùng các bộ, ngành tháo gỡ. Đặc biệt, đến giai đoạn thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, chúng tôi cũng trực tham gia cùng các bộ, ngành. Đây là một số biện pháp mà Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đang tiến hành để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, nhưng phải đảm bảo yêu cầu, chất lượng của văn bản. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ tại phiên họp thường kỳ tháng Năm vừa qua.

- Nếu có luật mà không có văn bản hướng dẫn thi hành thì Luật khó đi vào cuộc sống. Với vai trò là một Bộ tham mưu, giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng pháp luật, để khắc phục tình trạng nêu trên, sắp tới Bộ Tư pháp sẽ tập trung vào những công việc gì, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Lê Thành Long: Tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề liên quan tới xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những việc chính của Bộ Tư pháp. Thời gian qua, Bộ đã có cố gắng rất lớn nhưng thực trạng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trước đòi hỏi của đời sống xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trước yêu cầu thực hiện một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, trong bối cảnh Thủ tướng nhấn mạnh vai trò đặc biệt của công tác xây dựng thể chế, coi đây là điểm cần tập trung đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện công việc của mình, và cùng đồng hành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những vướng mắc liên quan tới xây dựng pháp luật, trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực. Đây là những nhiệm vụ Bộ Tư pháp phải tập trung hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast