Thực trạng khiếu nại, tố cáo (Bài cuối): Tìm nguyên nhân và hướng xử lý

(Baohatinh.vn) - Tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân dù đã có chuyển biến nhưng vẫn diễn biến khó lường và luôn tiềm ẩn phát sinh những vụ việc mới. Để xử lý tốt vấn đề này cần phải xác định rõ các nguyên nhân và có biện pháp đồng bộ.

Có thể khẳng định, hiệu quả của công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ. Nhận thức rõ điều này, nhiều địa phương đã không ngừng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung và những người làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư KNTC nói riêng theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, đánh giá thẳng thắn thì chất lượng cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư KNTC chưa đồng đều, chủ yếu kiêm nhiệm, năng lực và phẩm chất đạo đức của một bộ phận còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là cấp cơ sở. Điều này được thể hiện rõ nét nhất là ở các địa phương miền núi, những nơi khó khăn, tình hình KNTC phức tạp.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chánh Thanh tra huyện Hương Khê nhận định: “Nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh KNTC chủ yếu là từ cơ sở, việc giải quyết sau này chỉ mang tính chất xử lý “phần ngọn” của vấn đề. Thế nhưng, hiện nay việc bố trí cán bộ ở tuyến cơ sở còn nhiều bất cập, yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao nhưng lực lượng thì vừa thiếu, vừa yếu. Còn tuyến huyện, lực lượng mỏng, công việc nhiều nên không thể đáp ứng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xử lý đơn thư KNTC, nhưng để thay đổi, khắc phục thì không hề đơn giản”.

Cùng với chất lượng cán bộ thì sự vào cuộc của các cấp, ngành trong giải quyết KNTC cũng là một trong những vấn đề cần xem xét, chỉnh đốn lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung. Có thể nhiều địa phương, nhiều ngành vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhưng đây đó vẫn còn những nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác này, thiếu chủ động trong đối thoại, hòa giải và thuyết phục nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo ngành còn có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, thiếu sự phối kết hợp trong giải quyết các vụ việc. Một số cán bộ, người đứng đầu chính quyền, cơ quan chức năng thực thi pháp luật và giải quyết các chế độ liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân còn tắc trách, thiếu công tâm. Mặt khác, trong quá trình xem xét giải quyết, các cấp, ngành vẫn chưa thoát khỏi tính hành chính, không đi sâu tìm hiểu nguyên nhân phát sinh vụ việc. Điều này trở nên phức tạp hơn khi những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, các lĩnh vực nhạy cảm khác chưa được điều chỉnh và sự tham gia của một số lực lượng hiểu biết pháp luật nhưng có tư tưởng trục lợi, gây rối loạn tình hình...

Ngoài nguyên nhân đến từ trách nhiệm, năng lực của những người có thẩm quyền thì tình hình KNTC phức tạp còn do ý thức, trách nhiệm của công dân. Một bộ phận công dân do nhận thức pháp luật hạn chế, khi có vấn đề liên quan đến quyền lợi thường bị các thành phần xấu kích động, lôi kéo nên đã có những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá quy định của pháp luật. Thực tế ở cơ sở, đã có không ít vụ việc được các cơ quan chức năng giải quyết nhiều lần, cơ bản đúng chính sách pháp luật, thấu lý, đạt tình nhưng các đối tượng vẫn không chấp thuận, thậm chí có những phản ứng tiêu cực.

Do công dân nhận thức không đầy đủ và có những đòi hỏi vượt quá quy định của pháp luật nên nhiều công trình buộc phải có biện pháp bảo vệ thi công (ảnh chụp tại QL1A, đoạn qua xã Kỳ Phong, Kỳ Anh)

Do công dân nhận thức không đầy đủ và có những đòi hỏi vượt quá quy định của pháp luật nên nhiều công trình buộc phải có biện pháp bảo vệ thi công (ảnh chụp tại QL1A, đoạn qua xã Kỳ Phong, Kỳ Anh)

Quá trình giải quyết cũng đã cho thấy, nhiều đối tượng lợi dụng quyền dân chủ, lợi dụng những bất cập trong cơ chế, chính sách để cố tình dây dưa, tham gia KNTC kéo dài, vượt cấp. Các đối tượng này cũng sẵn sàng lôi kéo, kích động các hộ khác tham gia khi có vấn đề liên quan đến quyền lợi với phương châm “đúng thì tốt, không đúng cũng chẳng sao”. Vì vậy, tỷ lệ đơn thư KNTC của công dân không đúng sự thật hoặc chỉ đúng một phần còn rất cao, gây nhiều khó khăn trong công tác giải quyết.

Để hạn chế tình trạng KNTC tràn lan, những người làm công tác này nhiều năm cho rằng: lâu nay, chúng ta chỉ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hay đối thoại, giải thích. Điều này là đúng và cần thiết nhưng chưa đủ, mà cần phải xây dựng chế tài, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để ràng buộc trách nhiệm đối với người tham gia KNTC...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast