Tôn trọng tòa án - văn hóa pháp đình

Trong hoạt động tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng, tòa án giữ vai trò trung tâm. Có thể nói, hoạt động xét xử tại phiên tòa được xem là hoạt động quan trọng nhất. Thông qua phiên tòa, các chức năng cơ bản của tố tụng được bảo đảm thực hiện một cách rõ nét, công khai, dân chủ và bình đẳng. Tuy nhiên, lâu nay, vấn đề văn hóa pháp đình đang còn nhiều điều cần bàn.

Văn hóa pháp đình bị xâm hại

Trong phiên tòa xét xử vụ án “Sử dụng tài sản trái phép” của TAND thành phố Hà Tĩnh mới đây, người bào chữa cho bị cáo thường xuyên to tiếng, phản bác gay gắt cáo trạng, quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Quá trình tranh tụng, người bào chữa đưa ra nhiều lập luận, lý lẽ thiếu căn cứ để tố cáo những người tham gia tố tụng. Dù chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu nhưng vị luật sư này vẫn “cãi hăng tiết vịt”, vung tay, múa chân, trông rất phản cảm.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, TAND tỉnh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Chống người thi hành công vụ”. Tham gia bào chữa cho bị cáo là một luật sư có tên tuổi. Có lẽ vì quá tự tin vào tên tuổi của mình, vị luật sư luôn lên tiếng “chê” trình độ của hội đồng xét xử, cáo buộc những người tham gia tố tụng. Thậm chí, trong quá trình tranh tụng, vị luật sư này chỉ nêu câu hỏi, diễn thuyết hết lý lẽ của mình rồi bỏ ra ngoài đi… uống nước. Thái độ đó đã gây bất bình cho những người tham gia phiên tòa.

Văn hóa pháp đình là yếu tố hết sức quan trọng để hoạt động xét xử được thực hiện tôn nghiêm. Ảnh minh họa từ Internet

Văn hóa pháp đình là yếu tố hết sức quan trọng để hoạt động xét xử được thực hiện tôn nghiêm. Ảnh minh họa từ Internet

Đặc biệt, không ít phiên tòa hình sự, trước sự phán quyết nghiêm minh của hội đồng xét xử, nhiều bị cáo đã có lời lăng mạ, lớn tiếng đe dọa, quậy phá và có hành vi quá khích buộc các lực lượng bảo vệ phải ra tay can thiệp.

Cần chế tài đủ mạnh

Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chánh án TAND huyện Hương Khê cho rằng, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xúc phạm, gây rối trật tự, lăng mạ hội đồng xét xử, thư ký tòa án, kiểm sát viên, luật sư, người giám định, người phiên dịch… tại phiên xử thì cần phải bổ sung tội không tôn trọng tòa án. “Hành vi này gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, làm giảm sự uy nghiêm của cơ quan công quyền. Do vậy, để bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, trật tự tại phiên tòa, việc quy định chế tài hình sự để xử lý đối với hành vi nói trên là cần thiết”.

Đáp ứng yêu cầu thực tế, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã có chế định mới quy định về tội không tôn trọng tòa án (Điều 404). Theo đó, người nào thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phòng xét xử thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 1-5 năm: gây náo loạn phiên tòa; phải dừng phiên tòa xét xử; gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Tin tưởng rằng, khi Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được thông qua, quy tắc tôn trọng tòa án được đề lên thành luật sẽ có tác dụng tích cực. Nó không chỉ đảm bảo cho việc xét xử được diễn ra thuận lợi, an toàn, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật mà còn là điều kiện thiết yếu để giữ vững sự tôn nghiêm chốn công đường, đảm bảo tính giáo dục, phòng ngừa của hoạt động xét xử, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast