Từ năm 2018, đi bộ sai luật có thể bị phạt tù

Nếu ông A leo qua con lươn để băng qua đường khiến người chạy xe do tránh ông A mà té xe chết, khả năng ông A ở tù là rất cao.

tu nam 2018 di bo sai luat co the bi phat tu

Một phụ huynh dắt học sinh trèo qua dải phân cách để sang đường, đây là hành vi vi phạm Luật giao thông - Ảnh: CHÂU ANH

Khả năng nói trên là khi áp dụng nội dung mới của Bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Trước đây, trên cả nước nhiều người chạy xe máy, ôtô do tránh người đi bộ sai luật đã lật xe, té xe chết, chấn thương nặng.

Tuy nhiên, đa số người đi bộ sai luật không bị xử lý hình sự; nếu hầu tòa thì mức án cũng nhẹ.

Chẳng hạn cách đây 14 năm, ở TP.HCM có một người đang đi trên cầu, băng qua đường bất ngờ khiến một thanh niên chạy xe máy thắng gấp, té xe, bị thương nặng và chết trên đường đi cấp cứu.

Tòa phạt người đi bộ 9 tháng cải tạo không giam giữ. Nhưng từ đầu năm sau, nếu người đi bộ băng qua đường sai luật, gây tai nạn, dẫn đến chết ai đó, ngoài việc hối hận dằn vặt còn sẽ bị xử tù tối đa 15 năm.

Sẽ nhiều người cho rằng họ không cố ý đi bộ sai luật, mà là do người khác ép họ. Nào là vỉa hè đã bị chiếm hết nên họ phải đi xuống lòng đường.

Nào là dải phân cách giữa đường quá dài nhưng không có cầu vượt bộ hành hoặc hầm chui, thành ra muốn sang đường phải trèo qua dải phân cách.

Nào là nhiều đoạn đường bố trí vạch sơn cho người đi bộ quá xa nhau khiến họ tùy tiện sang đường...

E rằng những lý do đó khi ra tòa chỉ là tình tiết giảm nhẹ mức phạt, chứ không tuyên trắng án. Nó cũng hao hao việc một số người dẫn điện bẫy chuột, bẫy trộm không may làm người đi qua ruộng, kẻ trộm bị điện giật chết.

Ra tòa, người bẫy điện nói do chuột, do trộm nhiều quá, không xua đuổi hay ngăn ngừa bằng cách bình thường được, lại thêm thiếu hiểu biết pháp luật nên phải gài điện. Tòa cân nhắc điều này, nhưng vẫn tuyên phạt từ vài năm đến hơn 10 năm tù.

Vì vậy, nếu ai đó đã quen băng qua đường khi đèn đỏ, đi ngoài kẻ vạch sơn, leo qua con lươn... thì hãy học cách đi bộ đúng luật.

Đầu năm sau, luật mới hiệu lực nhưng hãy học từ bây giờ vì thay đổi thói quen qua đường chỉ tiện cho mình, không cần biết có tác động xấu tới người khác hay không phải mất ít nhất 10 ngày đến hàng tháng.

Cách dễ nhất để biết đi bộ đúng luật là hỏi những người cảnh sát giao thông ở các giao lộ. Nếu không, bạn có thể xem quy định trên mạng của các đơn vị có thẩm quyền.

Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng nên soạn cẩm nang đi bộ đúng luật (chữ kèm hình vẽ) đưa lên mạng hoặc phát tờ rơi để người xem dễ hình dung và áp dụng.

Băng qua con lươn là sai luật

Theo quy định tại điều 32 Luật giao thông đường bộ năm 2008:

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast