Vụ chặt phá rừng tại Hương Khê: Những “lỗ hổng” trong quá trình tố tụng !

(Baohatinh.vn) - Những diễn biến trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Thừa Bình (SN 1966, trú thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: có hay không những “lỗ hổng” trong quá trình tố tụng cấp sơ thẩm?

Diễn biến cấp sơ thẩm

Theo cáo trạng, khoảng 6h ngày 8/7/2015, Hà Thừa Bình (SN 1966, trú thôn Tân Dừa, xã Hương Trạch, Hương Khê) thuê một số người mang theo rựa mồng tơi đi vào khoảnh 2, tiểu khu 245 (do BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu quản lý) để sẻ cây, đốt rừng làm rẫy; đến 9h ngày 9/7/2015, tổ tuần tra Trạm Rào Rồng, thuộc BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu phát hiện và bắt giữ. Tổng diện tích rừng bị sẻ phát, chặt hạ, đốt là 11.660m2.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản, giá trị rừng bị chặt phá là 142.950.000 đồng, giá trị về môi trường là 571.800.000 đồng.

vu chat pha rung tai huong khe nhung lo hong trong qua trinh to tung

Hà Thừa Bình và diện tích rừng bị chặt phá

Trên cơ sở xem xét tính chất, hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngày 17/1/2017, TAND huyện Hương Khê tuyên phạt Hà Thừa Bình 5 năm tù giam. Các đối tượng còn lại được Bình thuê với mục đích sẻ phát lấy tiền công, không biết đó là rừng phòng hộ mà nghĩ rằng rừng được giao cho Bình quản lý, sử dụng nên không xem xét xử lý vai trò đồng phạm trong vụ án.

Tuy nhiên, bị cáo Hà Thừa Bình đã kháng cáo, đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm bởi còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, như: trách nhiệm của ban quản lý rừng, căn cứ để xác định ranh giới rừng phòng hộ; số lượng cây, diện tích cây rừng bị các đối tượng chặt phá còn nhiều điểm mâu thuẫn… Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm không xem xét thỏa thuận tự nguyện của các đương sự về bồi thường dân sự.

Căn cứ xác định rừng phòng hộ chưa rõ ràng

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào chiều 22/5/2017, trả lời về căn cứ xác định rừng phòng hộ, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu Nguyễn Kim Hùng cho rằng: Việc xác định rừng phòng hộ trong 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) dựa vào các Quyết định 3209/QĐ-UBND ngày 29/12/2006, Quyết định 3360/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 và Quyết định 1511/QĐ-UBND ngày 28/5/2012 của UBND tỉnh.

vu chat pha rung tai huong khe nhung lo hong trong qua trinh to tung

Bị cáo Hà Thừa Bình tại phiên toà phúc thẩm

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu chỉ chiếu theo các quyết định này để phân định ranh giới các loại rừng là chưa đủ. Bởi lẽ, tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định, khu rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất phải được xác định ranh giới rõ ràng theo bản đồ trên thực địa và lập hồ sơ quản lý rừng; trên thực địa phải thể hiện bằng hệ thống mốc. Ngoài ra, theo Quyết định 3031/1997/QĐ-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp, ranh giới và mốc giới các loại rừng được quy định là cơ sở xác định lâm phận các loại rừng, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để ngăn ngừa, xử lý các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp quyền sử dụng đất, sử dụng rừng.

Ông Hùng khẳng định, đơn vị đã tiến hành cắm mốc xác định ranh giới các loại rừng nói trên; đồng thời, thực hiện đầy đủ công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, cắt cử người giám sát, theo dõi các hoạt động hủy hoại rừng.

Song theo những người dân địa phương có mặt tại phiên tòa, mặc dù có tuyên truyền nhưng cơ quan chức năng lại chưa bao giờ công khai quy hoạch 3 loại rừng cho dân biết.

Ngoài ra, bản thân ông Hùng, đại diện cho đơn vị quản lý rừng cũng thừa nhận không nhớ việc cắm mốc xác định ranh giới vào thời điểm nào và tại vị trí nào.

vu chat pha rung tai huong khe nhung lo hong trong qua trinh to tung

Dù khẳng định những cây do bị cáo Hà Thừa Bình thuê sẻ phát có đường kính lớn từ 35-40cm, nhưng vật chứng thu được chỉ là rựa mồng.

Trên thực tế, diện tích rừng trên bản đồ và thực địa có thể có sự sai lệch. Theo phụ lục kèm theo Quyết định 3031, việc xác định ranh giới vị trí mốc ngoài thực địa phải đối chiếu giữa bản đồ và thực địa để khẳng định tính xác thực của đường ranh giới và vị trí mốc, bảng. Bản đồ đúng nhưng ranh giới thực địa sai thì phải chỉnh lý lại ranh giới thực địa cho phù hợp với bản đồ. Song tại hồ sơ vụ án lại không có biên bản xác định vị trí mốc ngoài thực địa để làm sáng tỏ việc có sai lệch hay không.

Trong khi đó, tại bản án sơ thẩm ngày 17/1/2017 của TAND huyện Hương Khê lại dựa vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH800994 ngày 5/6/2008 để làm căn cứ xác minh (?!).

Như vậy, chưa có đủ căn cứ để xác định diện tích rừng bị Hà Thừa Bình thuê người sẻ phát là rừng phòng hộ. Theo đó, việc truy cứu bị cáo theo điểm b, khoản 3, điều 189 về tội “hủy hoại rừng” là chưa có cơ sở.

Những “lỗ hổng” trong quá trình tố tụng

Căn cứ vào lời khai của các bên liên quan tại phiên tòa cho thấy, việc Hà Thừa Bình thuê người sẻ phát rừng được phát hiện vào ngày 9/7/2015, nhưng đến ngày 4/8/2015, cơ quan chức năng mới tiến hành xác minh và kiểm tra hiện trường. Như vậy, suốt thời gian khá dài (25 ngày) trong điều kiện hiện trường không được bảo vệ, không thể khẳng định chính xác sẽ không có ai sẻ phát thêm.

Về thành phần tham gia kiểm tra hiện trường, không có mặt những người sẻ phát chính được bị cáo Bình thuê gồm các ông Đinh Văn Đề, Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Văn Cường, bà Trần Thị Thanh, Đinh Thị Viện để xác định chính xác số lượng cây bị chặt, mà chỉ có cháu Nguyễn Văn Anh (thời điểm đó mới 15 tuổi) và Hà Thừa Bình (không tham gia sẻ phát). Đồng thời, bị cáo Bình cùng cháu Anh dù có mặt nhưng lại không được xác nhận số lượng cây theo phiếu đo đếm loài cây gỗ rừng tự nhiên.

vu chat pha rung tai huong khe nhung lo hong trong qua trinh to tung

Trưởng BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu xác đinh vị trí rừng phòng hộ trên bản đồ tại phiên toà

“Sau khi kiểm tra hiện trường, không lập biên bản ký ngay mà 4-5 ngày sau mới lên UBND xã Hương Trạch (Hương Khê) để ký. Hơn nữa, thành phần tham gia kiểm tra hiện trường chỉ có 6-7 người, nhưng trong biên bản lại có tới 16 người?”, bị cáo Bình cho biết.

“Tôi không tham gia kiểm tra trực tiếp tại hiện trường mà cử cấp dưới tới và tôi ký vào biên bản dựa trên những gì người này trình bày”, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Cao Quốc Hội thừa nhận. Trong khi đó, biên bản lại thể hiện rõ ông Hội có mặt tại thời điểm khám nghiệm hiện trường?

Điều này khiến người tham dự phiên tòa nghi ngờ mức độ chính xác của số lượng cây, diện tích sẻ phát được xác định trong bản án sơ thẩm (600 cây trên diện tích hơn 11.000m2).

Người được bị cáo thuê sẻ phát chính là ông Đinh Văn Đề quả quyết, chỉ sẻ từ 7-8ha rừng; và chỉ sẻ những cây gỗ tạp có đường kính từ 15cm trở lại chứ không phải các loại cây có đường kính từ 35-40cm như: cà ổi, dẻ, hoàng linh theo phiếu đo của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, người dân địa phương cho rằng, việc dùng rựa mồng để chặt những loại cây lớn có đường kính từ 35-40cm trong thời gian 1 ngày (từ chiều ngày 8 tới sáng ngày 9/7/2015) với khối lượng như Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Rào Rồng Phan Việt Hùng trình bày trước tòa là hoàn toàn phi lý.

“Bị cáo thừa nhận vi phạm, nhưng bị cáo cho rằng sai phạm đó không đúng như cơ quan tố tụng quy kết. Bị cáo đề nghị HĐXX làm sáng tỏ các sự thật khách quan của vụ án”, Hà Thừa Bình trình bày tại phiên tòa.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast