Vụ con dâu kiện bố mẹ chồng: Niềm riêng ai tỏ...!

(Baohatinh.vn) - Người hiểu biết thì chia sẻ, động viên, người không am hiểu thì bàn tán, lên tiếng nghi ngại việc “con dâu kiện bố, mẹ chồng”...

Mặc cho “miệng lưỡi thế gian”, H. vẫn lặng lẽ đi về, âm thầm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người vợ mất chồng, một mình chăm sóc con thơ. Nhìn ánh mắt trầm buồn, bàn tay vụng về đặt lên vai đứa con trai bé nhỏ như tìm thêm sức mạnh của H. trong sân tòa hôm ấy, mới thấy rằng, đến chốn công đường bảo vệ quyền lợi của mình là việc chẳng đặng đừng.

Vụ con dâu kiện bố mẹ chồng: Niềm riêng ai tỏ...! ảnh 1

Ngôi nhà của chị H. đang khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật.

26 tuổi, nghề nghiệp ổn định, H. lấy chồng, sinh con. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc viên mãn khi H. sinh hạ một bé trai kháu khỉnh.

Năm 2009, họ quyết định xây ngôi nhà 2 tầng kiên cố tại phường Trần Phú trên lô đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng mang tên chồng. Cuộc sống hạnh phúc của gia đình nhỏ chưa được bao lâu thì năm 2011, chồng H. mất vì bệnh hiểm nghèo.

Đau đớn, bàng hoàng nhưng H. cố gắng gượng vì con. Quần quật làm việc, chăm con và xoay xở đủ đường để giải quyết những món nợ mà 2 vợ chồng đã vay trước đó, H. gần như không có thời gian cho riêng mình.

Điều đáng nói là, khi mất, chồng cô không để lại di chúc nên tài sản chung của vợ chồng vẫn chưa được định đoạt. Sau nhiều lần trao đổi với ông Đ., bà N. (bố, mẹ chồng) về việc phân chia di sản nhằm phân định quyền lợi của các đồng thừa kế không thành, vào ngày 10/7, H. buộc lòng gửi đơn lên TAND thành phố Hà Tĩnh đề nghị phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Thụ lý đơn khởi kiện chia thừa kế của chị H., TAND thành phố đã thực hiện đúng các quy trình tố tụng, tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Ngày 24/11, TAND thành phố Hà Tĩnh mở phiên tòa dân sự giải quyết việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó phải tạm hoãn vì ông Đ., bà N. vắng mặt không có lý do. Tiếp đó, TAND thành phố mở phiên tòa thứ 2 nhưng bất thành vì bố mẹ chồng của H. vẫn tiếp tục vắng mặt với lý do sức khỏe yếu.

Phiên tòa mới đây nhất (ngày 10/12/2015), bị đơn có mặt nhưng khi hội đồng xét xử vừa bắt đầu làm việc thì bà N. bị tăng huyết áp, phải đưa vào bệnh viện theo dõi. Vậy là một lần nữa, hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa.

Khi hội đồng xét xử vừa bắt đầu làm việc thì bà N. bị tăng huyết áp, phải đưa vào bệnh viện theo dõi buộc phiên tòa lại tạm hoãn. Ảnh: dailo.vn

Khi hội đồng xét xử vừa bắt đầu làm việc thì bà N. bị tăng huyết áp, phải đưa vào bệnh viện theo dõi buộc phiên tòa lại tạm hoãn. Ảnh: dailo.vn

Chị H. lại lặng lẽ dắt con ra về, len lén lau nước mắt và chờ mong. H. cũng đau thắt từng khúc ruột khi mẹ con phải dắt díu ra tòa, phải đối diện với bố mẹ chồng và những ánh mắt không mấy thiện cảm của những người thiếu hiểu biết pháp luật.

Tuy nhiên, H. buộc phải làm như vậy vì đó là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cho mình, cho con và cho chính bố, mẹ chồng cô. Phần di sản trong khối tài sản chung mà chồng cô để lại không có di chúc, các đồng thừa kế không thỏa thuận được với nhau thì mãi mãi, nó sẽ không được định đoạt. Và như thế, khối tài sản đó mãi mãi sẽ “không thuộc về ai”. Có nghĩa là, quyền lợi của ông Đ., bà N., của H., con H về phần tài sản là di sản của chồng cô để lại sẽ không được minh định, không ai có thể thực hiện được “quyền” độc lập của mình đối với phần thừa kế này.

“Tôi khởi kiện không chỉ đơn giản là để tòa án phân chia cho ai được bao nhiêu trong đó, mà trên hết đó là để minh định quyền và nghĩa vụ của bố mẹ chồng tôi và của tôi. Nếu không phân chia, mẹ con tôi vẫn toàn quyền sử dụng và chắc chắn rằng, bố mẹ chồng tôi cũng không có quyền định đoạt ngôi nhà này. Xin đừng gán cho tôi cái tội “đáo tụng đình”, kéo bố mẹ chồng vào vòng pháp lý. Ở đây không có đúng – sai, tòa án dân sự chỉ là “trọng tài” để phân định quyền lợi của chúng tôi thôi mà” - H. phân trần.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast