Xã “chiếm đoạt” tiền đền bù của dân !

Đất sản xuất nông nghiệp của dân đang được nhà nước cấp quyền sử dụng, được kê khai đền bù do bị ảnh hưởng của dự án. Trong quá trình dân chờ nhận tiền thì chính quyền xã lại chuyển đổi đưa toàn bộ số diện tích được đền bù nói trên thành đất… công ích và xã nhận tiền đền bù. Dân trở nên tay trắng, kỳ quặc hơn người dân vẫn phải đến ký nhận tiền đền bù và chỉ được “trả công”… 50.000 đồng/hộ, còn toàn bộ tiền đã nhận thì nộp trở lại cho xã với hình thức “ăn chia”: xã hưởng 80%, xóm, thôn hưởng 20% ! Câu chuyện “lạ đời” này xẩy ra ở xã Xuân Mỹ huyện Nghi Xuân…

Tiền đền bù của dân bị “đánh tráo” thành của xã !

Dự án Hồ chứa nước Xuân Hoa, giai đoạn II có hạng mục xây dựng kênh mương trên địa bàn xã Xuân

Quyết định do ông Lê Văn Bình ký "chiếm đoạt" tiền đền bù của dân

Quyết định do ông Lê Văn Bình ký "chiếm đoạt" tiền đền bù của dân

Mỹ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhằm phục vụ tưới tiêu đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Theo danh sách từ Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Nghi Xuân thì có 472 hộ dân của 12/12 thôn ở Xuân Mỹ bị ảnh hưởng, được bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Đa phần số diện tích bị ảnh hưởng đều đã được nhà nước cấp quyền sử dụng cho dân. Tháng 5/2009, người dân làm thủ tục kê khai chuẩn bị nhận tiền đền bù. Đến 15/10/2009, ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ, kiêm Phó ban chỉ đạo chuyển đổi ruộng đất của xã ký ban hành một kết luận trong đó có nêu rõ: toàn bộ số diện tích đất đã nằm trong diện được đền bù nay được chuyển đổi, quy hoạch thành đất công ích của xã.

Sẽ không có gì đáng phải bàn, bởi chuyển đổi ruộng đất là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, của tỉnh. Việc quy hoạch lại diện tích như đã nói ở trên là chuyện bình thường, song điều đáng nói ở đây là: ai sẽ được nhận số tiền đền bù do bị ảnh hưởng của dự án?

Theo lý, khi tiền hành kê khai đền bù thì số diện tích đất bị ảnh hưởng nói trên đang thuộc quyền sở hữu của người dân (đang nằm trong “sổ đỏ”), 5 tháng sau xã Xuân Mỹ mới quyết định chuyển đổi số diện tích này thành đất công ích. Vì vậy chủ thể được nhận tiền đền bù vẫn phải là của dân chứ không phải là xã, Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân cũng đền bù cho dân chứ không phải đền bù cho xã, việc ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ, Phó trưởng Ban CCRĐ xã kết luận “xanh rờn”: tiền sử dụng đất và hỗ trợ về đất kênh mương tập trung vào ngân sách xã như trong kết luận đã nêu xã là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý ! Có dấu hiệu “chiếm đoạt” tiền đền bù của dân !

Ông Phan Khắc Ninh (thôn 8, Xuân Mỹ): Đất đang nằm trong "sổ đỏ" của dân, ai mất thì người đó được hưởng, xã không có quyền "chiếm đoạt" tiền của dân
Ông Phan Khắc Ninh (thôn 8, Xuân Mỹ): Đất đang nằm trong "sổ đỏ" của dân, ai mất thì người đó được hưởng, xã không có quyền "chiếm đoạt" tiền của dân

Tiền đền bù bị chia đều trong thôn và bất minh cần được làm rõ

Theo phản ảnh của người dân, tháng 7/2011 người dân được nhận tiền đền bù, sau đó nộp lại và được “ăn chia” như sau: xã hưởng 80%, thôn, xóm hưởng 20%, mỗi hộ dân đến ký nhận được trích cho 50.000 đồng. Làm việc với chúng tôi, ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ thừa nhận việc người dân phản ảnh là hoàn toàn đúng sự thật. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề: xã lấy cơ sở nào để chia tiền đền bù theo kiểu trên, ông Bình không có câu trả lời. Vị chủ tịch xã này cứ loanh quanh rằng: đất này là đất công ích của xã đã quy hoạch chuyển đổi từ tháng… 10/2009, xã được hưởng là điều tất nhiên và việc này dân đều đống ý!

Anh Trần Đức Hoan (thôn 9, Xuân Mỹ): Họ bảo tôi ký nhận tiền cả hai hộ: Trần Đức Hoan và Trần Văn Hoan thì tôi ký nhận
Anh Trần Đức Hoan (thôn 9, Xuân Mỹ): Họ bảo tôi ký nhận tiền cả hai hộ: Trần Đức Hoan và Trần Văn Hoan thì tôi ký nhận

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân ở Xuân Mỹ hết sức bất bình, ông Phan Khắc Ninh ở thôn 8 bức xúc: đất đang nằm trong “sổ đỏ” của dân, ai mất thì người đó được hưởng, huyện trả tiền cho dân chứ không phải trả cho xã, xã không có quyền “chiếm đoạt” tiền của dân! Anh Trần Đức Hoan (thôn 9) bực dọc: hội đồng GPMB huyện trả tiền đền bù cho tôi thì tôi nhận, các ông ở thôn, xã có quyền gì mà lại “đòi” tôi phải nộp lại ?! Ông Hoàng Xuân Cảnh ở thôn 2 cũng bức bối: trước đây thôn chúng tôi chỉ có một số hộ được đền bù, giờ xã lấy không, chia lại cho thôn 20%, thôn chia đều cho mỗi khẩu được 70.000 đồng. Làm ăn như thế này là không công bằng, không thể có chuyện lấy quyền lợi người này đem chia cho người khác !

Trong quá trình tìm hiểu sự việc chúng tôi phát hiện thấy có dấu hiệu bất minh trong việc lập danh sách nhận tiền đền bù. Cụ thể: theo danh sách thì có 472 hộ bị ảnh hưởng được trả tiền đền bù với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên trong danh sách 472 nói trên có nhiều trường hợp một hộ “biến” thành 2 hộ chỉ khác hoặc thiếu tên lót. Cụ thể: hộ anh Trần Đức Hoan ở thôn 9 được nhận hơn 31 triệu đồng (quy tròn) nhưng anh Hoan còn ký nhận với một tên khác nữa là Trần Văn Hoan. Anh Hoan cho biết: họ bảo tôi ký nhận ký nhận cả hai tên thì tôi ký. Tương tự là các danh sách hộ: Nguyễn Xuân Thư và Nguyễn Thư, Hồ Minh Hoà và Hồ Hoà, Hồ Minh Biển và Hồ Biển (thôn 8)…

Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ: việc một hộ nhận 2 suất đền bù là do thôn lập danh sách rồi nộp cho Hội đồng GPMB xã. Chúng tôi hoàn toàn ... không biết !
Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ: việc một hộ nhận 2 suất đền bù là do thôn lập danh sách rồi nộp cho Hội đồng GPMB xã. Chúng tôi hoàn toàn ... không biết !

Trả lời với chúng tôi, ông chủ tịch xã Lê Văn Bình đổ lỗi cho cấp dưới rằng: việc này là do ở thôn họ lập danh sách rồi nộp cho Hội đồng GPMB của huyện, xã không hề biết. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề: danh sách 472 hộ nói trên do bản thân ông đại diện cho UBND xã Xuân Mỹ ký xác nhận thông qua, thì ông Bình không còn câu trả lời.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo Ban giải phóng mặt huyện Nghi Xuân nhưng chưa sắp xếp được lịch làm việc.

Hà Tĩnh Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast