Bài học sau 15 năm tổ chức thi hành một bản án dân sự

Một bản án dân sự kéo dài hơn 15 năm nay mới thi hành xong. Ai nấy đều thở pháo nhẹ nhõm khi đã tìm ra lời giải cho bài toán có lúc tưởng như hoàn toàn bế tắc. Vụ việc này đã để lại nhiều bài học cho ngành chức năng nói riêng cũng như các cấp, ngành liên quan và người dân nói chung trong thực hiện thi hành án.

Năm 1988, gia đình bà Trần Thị Hải, ông Lê Viết Lan được bà Nuôi chuyển nhượng cho một lô đất có diện tích 204m2 ở tổ 3 phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh). Sau đó, gia đình đã làm nhà ở trên lô đất này. Đến năm 1991, do hoàn cảnh gặp khó khăn, bà Hải đã đồng ý cho ông Nguyễn Đức Ngọ - là người thân mượn để ở với điều kiện “khi bà Hải, ông Lan có yêu cầu, ông Ngọ sẽ trả lại nhà và đất sau một tuần”. Thế nhưng sau đó nhiều lần, ông Lan, bà Hải đến đòi nhà mà ông Ngọ vẫn không giao lại, thậm chí ông đã chuyển nhượng một phần đất có diện tích 96m2 cho người khác.

Không chấp nhận kiểu “chiếm đoạt” ngang nhiên của ông Ngọ, bà Hải và ông Lan đã làm đơn khởi kiện lên TAND thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh). Năm 1995, TAND TP Hà Tĩnh đã giải quyết vụ án tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Hải, ông Lê Viết Lan và bị đơn Nguyễn Đức Ngọ. Theo bản án số 05/DS ngày 16/6/1995 thì ông Lê Viết Lan và bà Trần Thị Hải được quyền sử dụng lô đất hiện ông Ngọ đang sử dụng.

Ngay sau khi bản án có hiệu lực, căn cứ đơn yêu cầu của người được thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố đã nhiều lần triệu tập ông Ngọ – người phải thi hành án đến để giải quyết nhưng ông không chấp hành. Không những thế, ông Ngọ còn có thái độ chống đối quyêt liệt, thường xuyên vắng mặt nên công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tại thời điểm này, trên lô đang tranh chấp có bà Nuôi (mẹ đẻ của ông Ngọ) là mẹ liệt sỹ đang sinh sống và thờ cúng liệt sỹ nên UBND phường Bắc Hà đề xuất chưa cưỡng chế mà dùng biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, không cho gia đình ông Ngọ cơi nới, xây dựng các công trình trên lô đất này vì dang có tranh chấp.

BCĐ thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh họp bàn giải pháp thi hành án đối với ông Nguyễn Đức Ngọ
BCĐ thi hành án dân sự thành phố Hà Tĩnh họp bàn giải pháp thi hành án đối với ông Nguyễn Đức Ngọ

Quá trình giải quyết, Cơ quan thi hành án đã nhiều lần nhận được đơn thư khiếu nại của các bên có liên quan. Gia đình bà Hải, ông Lan liên tục có đơn yêu cầu thi hành án nhưng các cấp chính quyền và ngành chức năng thành phố vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi vì điều kiện hoàn cảnh gia đình ông Ngọ hết sức khó khăn, không có chỗ ở và trong nhà có mẹ liệt sỹ, thờ di ảnh liệt sỹ. Nếu cương quyết tổ chức thi hành án, sẽ gấy ức chế cho những người có liên quan, nhất là ảnh hưởng đến chính sách xã hội đối với gia đình liệt sỹ.

Vụ việc cứ nhùng nhằng, kéo dài năm này qua năm khác gây xôn xao dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao bản án hàng chục năm trời chưa được thi hành, phải chăng có sự khuất tất trong phán quyết của TAND thành phố?

Nhằm giữ vững kỹ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Trần Thị Hải, ông Lê Viết Lan trấn an dư luận và ổn định tình hình chính trị cơ sở, năm 2009, UBND thành phố Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc một cách quyết liệt, kiên quyết thi hành bản án đã có hiệu lực của Toà. Tuy vậy, phương án được quán triệt vẫn là thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động để ông Ngọ tự nguyện thi hành và có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với trường hợp đặc biệt này.

Ông Trần Thế Dũng - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng BCĐ thi hành án thành phố: "Rút kinh nghiệm từ các vụ việc thi hành án trước, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng liên quan kiên trì tuyên truyền, vận động một cách cụ thể, thiết thực, phân tích rõ được - mất và đặc biệt là phải xem xét cụ thể hoàn cảnh, điều kiện của người phải thi hành án để có phương án giải quyết hợp lý, hợp tình. Kinh nghiệm trong thi hành án là phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, không theo kiểu làm chưa được thì để đó sẽ tạo tiền lệ xấu và dư luận không tốt”.

Ban chỉ đạo thi hành án thành phố liên lục tổ chức các cuộc họp để thống nhất phương án tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, hợp tình, hợp lý. Các tổ chức, đoàn thể, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã đến vận động, phân tích rõ cho ông Ngọ hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, chỉ ra những nguyên tắc, điều kiện và các quy định pháp luật cũng như những hậu quả pháp lý mà ông phải gánh chịu nếu không thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Đồng thời, BCĐ thi hành án thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp khối phố để tuyên truyền, giải thích nhằm tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cũng trong thời gian này, bà Nuôi đã mất và được một người anh của ông Ngọ rước về thờ phụng.

Sau một thời gian dài chuẩn bị các bước để tổ chức thi hành án, nhờ là tốt công tác tuyên truyền vận động, phần nào ông Nguyễn Đức Ngọ đã hiểu ra nghĩa vụ phải thi hành án của mình. Và, giữa tháng 12 này, ông Ngọ đã thực sự hiểu ra và tự nguyện chấp hành. Vậy là vụ việc kéo dài hơn 15 năm đã thực hiện xong, ai nấy đều thở pháo nhẹ nhõm khi đã tìm ra lời giải cho bài toán có lúc tưởng như hoàn toàn bế tắc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast