Chuyện kể về Liệt sĩ Trần Lộc - Tàu 235

Lịch sử quân sự Việt Nam, lịch sử Sư đoàn 125 đã giành nhiều trang viết máu thịt để nói về chiến tích oai hùng, về trận đánh sinh tử giữa tàu mang kí hiệu 235, đoàn tàu không số tại bến Hòn Hèo (Khánh Hoà). Tại đây, đêm 29/2 sạng sáng ngày 01/3/1968 sau khi bị lộ từ trước và bị địch theo dõi, vây ráp bởi 7 chiến hạm, các loại tàu chiến cơ động của địch ở trên biển; trên trời, các loại máy bay bủa vây; trên bờ, 2 tiểu đoàn bộ binh, thuỷ quân lục chiến của Mỹ, nguỵ và lính đánh thuê với ý đồ bắt sống tàu và toàn bộ thuỷ thủ trên tàu. Nhưng chúng đã nhầm, mọi ý đồ đen tối đó đã phải chịu khuất phục trước sự mưu trí dũng cảm vô song của các chiến sĩ "cảm tử quân" mà trái tim của nó là anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng 19 cán bộ chiến sĩ khác của tàu.

Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Bị thương, không rời vị trí chiến đấu

Liệt sĩ Trần Lộc
Liệt sĩ Trần Lộc

Trước đó, ngày 27/2/1968, đúng 11h 30 phút tại A3 ( Hải Nam -Trung Quốc), tàu 235 cùng 4 tàu khác xuất phát. Tàu 235 là tàu cao tốc, chạy 4 máy, có tốc độ trung bình 22 hải lí/giờ. Tàu có nhiệm vụ chở hơn 14 tấn vũ khí, vào bến Hòn Hèo ( Khánh Hoà). Hòn Hèo là khu vực hiểm trở, cách Nha Trang khoảng khoảng 12 km về phía Bắc thuộc 2 xã Ninh Vân và Ninh Phước ( Ninh Hoà). Đây là bến hết sức khó vào. Luồng hẹp.Nhiều đá ngầm. Trên tàu 235 có 2 người con thân yêu của quê hương Hà Tĩnh và cả 2 người đều anh dũng hi sinh, đó là liệt sĩ Trần Thọ Thuyết và liệt sĩ Trần Lộc. Liệt sĩ Trần Lộc là thợ máy phụ trách 2 máy ở phía đuôi tàu. Mặc dù trên biển, tàu địch giăng giăng và tắt hết đèn hiệu chờ sẵn, đón lỏng nhưng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn chỉ huy luồn lách vượt qua mặt và đưa được tàu vào bến nhưng không bắt được tín hiệu nhận hàng, đành phải thả hàng xuống biển cho cơ sở lấy sau. Thả gần hết số hàng 14 tấn thì bất ngờ đồng loạt 7 tàu địch bật đèn và tiến công truy bắt. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu chạy dọc bờ và bắn trả quyết liệt. Nhờ trang bị hoả lực mạnh đủ các tầm nên tàu 235 đã bắn bị cháy 1 tàu và một số tàu khác bị thương. Về phía ta, đã có 5 đồng chí hi sinh tại chỗ và nhiều đồng chí bị thương. Tàu địch quá bất ngờ về hoả lực quá mạnh của tàu ta, cảnh giác không dám lại gần.

Trong tình thế đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định mở xuồng cao su cho số anh em bị thương và đã hi sinh rời tàu, số còn lại sẽ áp sát tàu địch và cho nổ để tiêu diệt hoàn thành nốt sứ mạng huỷ tàu nhằm bảo vệ tuyệt đối bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển. Riêng đồng chí Trần Lộc mặc dầu bị thương khá nặng nhưng vẫn tự băng bó và tiếp tục chiến đấu. Ý đồ áp sát tàu địch không thể thực hiện khi tàu 235 đã bị bắn hỏng máy. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh ra lệnh "đánh bộc phá tại tàu". Ông Lê Duy Mai - một trong 5 chiến sĩ của tàu 235 còn may mắn sống sót bồi hồi nhớ lại: “Đánh bộc phá tại tàu” là mệnh lệnh cuối cùng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Nhận mệnh lệnh, tôi tuột cầu thang bước xuống khoang máy sau. Dưới khoang, anh Trần Lộc đầu bị thương quấn băng trắng, máu chảy đầm đìa. Tôi vội đỡ anh dậy và nói trong gấp gáp: Đầu anh bị thương, tôi thay anh đánh bộc phá khoang máy sau và hầm lái. Đánh bộc phá khoang máy trước là Vũ Long An, khoang mũi tàu là anh Hà Minh Thật, anh nghe rõ chứ? ". Điểm hoả xong Trần Lộc được đồng đội đưa vào bờ nhưng do bị thương quá nặng lại bị địch bố ráp, truy lùng gay gắt. Đồng chí Trần Lộc đã tiếp tục chiến đấu bằng vũ khí cá nhân và bằng tinh thần quả cảm và hi sinh tại chỗ. Cũng như nhiều đồng đội khác, thi thể của anh bị bọn địch dã man gom lại và đổ xăng đốt hầu như không còn nguyên vẹn.

Còn đó, một tổ ấm

Ngày 17/10/2011, chúng tôi đã có dịp về thăm tổ ấm của gia đình liệt sĩ Trần Lộc tại xóm Phượng Thành - Đức Long - Đức Thọ - Hà Tĩnh và được nghe đầy đủ và trọn vẹn về hình ảnh thời trai trẻ bằng chính lời kể của vợ và con gái của liệt sĩ Trần Lộc.

LS Trần Lộc sinh năm 1939. Tháng 12 năm 1959, trong khi đang học lớp 6 (cũ) tại trường Đông Thái - Tùng Ảnh, được gia đình đôi bên ưng thuận, chàng trai trẻ Trần Lộc kết duyên với người con gái xinh đẹp cùng quê là cô Nguyễn Thị Lan. Cưới vợ xong, Trần Lộc vẫn tiếp tục đi học. Trần Lộc học giỏi, siêng năng và có phong cách đỉnh đạc của một đấng nam nhi, tâm hồn luôn phơi phới một niềm lạc quan yêu đời và có lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ xâm lược. Năm 1960, cô con gái đầu lòng Trần Thị Thuyết Minh chào đời, chưa đầy một năm sau, người vợi trẻ Nguyễn Thị Lan lại có tin vui lần thứ 2. "Việc có cháu thứ 2- Trần Thị Oanh Quế mới kịp báo cho chồng tối nay thì sáng mai anh ấy đã trúng tuyển đi bộ đội, tui không nhớ rõ ngày nhưng chắc chắn là tháng 2 năm 1962"- Bà Nguyễn Thị Lan nhớ lại. Khác với liệt sĩ Trần Thọ Thuyết trúng tuyển là đi ngay còn liệt sĩ Trần Lộc được tổ chức cho về nhà 1 tuần để sắp xếp việc gia đình và tạm biệt vợ con. Bà Nguyễn Thị Lan bùi ngùi: "Buồn lắm chú à. Cháu Minh mới 1 tuổi, tui (tôi) lại sắp có đứa khác, tiễn chồng xuống ngã tư quán Bà Viên mà lòng tui ngổn ngang. Anh ấy cố không để lộ sự bịn rịn nhưng tui biết anh Lộc nhớ mẹ con tui lắm".

Vợ (bà Nguyễn Thị Lan) và con gái (Trần Thị Tuyết Minh) của Liệt sỹ Trần Lộc
Vợ (bà Nguyễn Thị Lan) và con gái (Trần Thị Tuyết Minh) của Liệt sỹ Trần Lộc

Khoảng tháng 7,8/1965, tàu bị thương phải vào Xuân Mĩ - Nghi Xuân sửa chữa, chỉ huy tàu đã cho 2 người con Hà Tĩnh là Trần Lộc được ưu tiên về 3 ngày còn Trần Thọ Thuyết chỉ được về nhà 2 ngày. Sau 3 năm mới được gặp nhau, giây phút được gặp lại người vợ yêu quý và 2 con gái mũm mỉm đáng yêu chắc chắn sẽ là những giây phút hạnh phúc trọn vẹn để rồi vài ngày sau anh phải tiếp tục lên đường và ra đi mãi mãi để lại một bản hùng ca bi tráng, để lại một niềm tự hào cho gia đình, quê hương, đất nước. Nhưng, nếu sự hi sinh của liệt sĩ Trần Lộc là sự hi sinh quả cảm, bất khuất và được lịch sử ghi nhận thì sự hi sinh của người vợ trẻ Nguyễn Thị Lan là sự hi sinh thầm lặng, sự chờ đợi trong khắc khoải và một sự thiếu thốn tình cảm, hơi ấm của người chồng trong suốt cuộc đời. Sự hi sinh đó là phẩm chất cao thượng, quý báu của người mẹ Việt Nam anh hùng bởi cho dù biết tin chồng hi sinh nhưng người vợ trẻ măng đang căng tròn sức sống ấy vẫn vò võ nuôi con khôn lớn trưởng thành, thờ chồng, chăm sóc bố mẹ chồng và hiện nay đã trở thành một người cố của 2 chắt , người bà của 4 cháu ngoại ngoan hiền. Bà Nguyễn Thị Lan năm nay 75 tuổi, người dong dỏng cao, bóc bạc, da mồi bởi tuổi tác và muôn vàn khó khăn đã chồng chất lên đôi vai của người phụ nữ đáng kính trọng ấy. Mỗi lần nhắc đến người chồng thân yêu - Liệt sĩ Trần Lộc, bà lại như có thêm niềm tự hào và niềm tin vào cuộc sống. Mặc dầu vậy, những nỗi buồn của một thời thanh xuân vẫn luôn hiện về rõ nét, bà trầm ngâm: " Ngày nhận được giấy báo tử, tôi khuỵ xuống, tưởng chừng như không thể đứng vững nhưng tôi nghĩ sự hi sinh của tôi chỉ là một sự hi sinh nhỏ mọn của muôn vàn bà mẹ Việt Nam nên tôi cũng sớm xác định được tư tưởng để gượng dậy nuôi con, thờ chồng".

Bà cũng cho biết thêm: " Tình cảm của gia đình chồng, anh em, làng xóm, đoàn thể chính quyền địa phương và những đồng đội của anh Lộc như anh Nguyễn Đình Sin ( người duy nhất còn sống của những chiến sĩ người Nghệ Tĩnh (cũ) trực tiếp chiến đấu trên đoàn tàu không số - PV) và anh Lê Duy Mai ở Thanh Hoá (là một trong 5 người còn sống sót của tàu 235 sau trận đánh - PV) là một chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi hoàn thành nhiệm vụ".

Chia tay gia đình bà Nguyễn Thị Lan, chúng tôi có thêm sự tri ân về một thời cha anh đã vô tư cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước và sự tận tuỵ , hi sinh của một thế hệ của những bà mẹ Việt Nam cho đất nước trường tồn. Tuổi trẻ của chúng ta hôm nay không được phép quên ơn những hi sinh cao cả đó và một lòng tin tưởng vào tương lai của đất nước - một nền hoà bình có được nhờ sự hi sinh của cả dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast