Công khai mua bán tiền giả trên facebook

(Baohatinh.vn) - Cam kết giống tiền thật 98%, 1 triệu đồng tiền thật mua được 12 triệu đồng tiền giả, không cần cọc…là những thông tin quảng cáo bán tiền giả được rao tràn lan trên mạng xã hội facebook.

Công khai mua bán tiền giả trên facebook

Một trang facebook rao bán tiền giả

Trên Facebook, chỉ cần gõ tìm kiếm “Đổi tiền giả”, "Mua tiền giả không cọc uy tín 100%" hoặc "Buôn bán tiền giả" là có hàng chục trang đang tồn tại với lời chào giá hấp dẫn, để lại số điện thoại để giao dịch mua bán, ship hàng COD trên toàn quốc. Gần như các trang facebook này đều lấy ảnh đại diện là các cô gái xinh đẹp hoặc những người đàn ông lực lưỡng, xăm trổ đầy mình.

Các trang facebook này quảng cáo tiền giả giống 98% tiền thật, có thể dùng để thực hiện giao dịch như đi chợ, đổ xăng… mà "không ai phát hiện được”. Hình ảnh quảng cáo là các xấp tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng… Các trang rao bán tiền giả đều quảng cáo tiền giả…“xịn” và được nhập về từ Trung Quốc, Thái Lan...

Công khai mua bán tiền giả trên facebook

Theo quảng cáo, 1 triệu đồng tiền thật sẽ đổi được 12 triệu đồng tiền giả

Với nhu cầu mua 2 triệu tiền giả, chúng tôi liên lạc với tài khoản facebook có tên “Mua bán tiền giã không cọc…” và được tư vấn nhiệt tình. Qua trao đổi, người bán giới thiệu nên mua mệnh giá 200 nghìn đồng vì dễ tiêu thụ nhất, với 2 triệu đồng tiền thật sẽ đổi được 25 triệu tiền giả.

Theo người bán này, thì người mua chỉ cần đặt cọc 40% (800 nghìn đồng) bằng cách nhắn mã thẻ cào Vietel hoặc chuyển khoản qua tài khoản cá nhân kèm theo địa chỉ nhận hàng, sau đó sẽ có nhân viên giao hàng tận tay.

Người bán này còn cho biết thêm, tối thiểu phải mua 500.000 đồng tiền thật thì mới giao hàng, mệnh giá nào cũng có sẵn. Tuy nhiên, lấy cớ quảng cáo không cần đặt cọc mà vẫn bắt khách hàng chuyển khoản trước nên chúng tôi…“thoái lui”

Công khai mua bán tiền giả trên facebook

Đoạn trao đổi về phương thức mua bán tiền giả

Việc mua bán tiền giả là trái quy định pháp luật, tuy nhiên, không loại trừ khả năng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu mua thông qua hình thức chuyển khoản trước mà sau đó không nhận được “hàng”. Đã có không ít người vì hám lợi đã chuyển tiền đặt cọc trước theo yêu cầu của các chủ tài khoản trên, nhưng đợi mãi không thấy tiền giả chuyển lại thì mới biết là mình bị lừa.

Mặc dù kiểu lừa đảo này ít người quan tâm và khó bị “dính bẫy” nhưng cũng có một số người do nhận thức hạn chế và lòng tham nên đã trở thành nạn nhân của những siêu lừa…

Theo Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam: Nghiêm cấm làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, mua bán và lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast