Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính: Còn nhiều vướng mắc

(Baohatinh.vn) - Triển khai thực hiện Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, từ 1/7/2012 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết 602/668 vụ việc khiếu nại, 259/285 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Kết quả, đã kiến nghị Nhà nước thu hồi hơn 400 triệu đồng, gần 32.000 m2 đất; trả lại cho công dân hơn 2 tỷ đồng và 20.800 m2 đất.

Kết quả đó khẳng định cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã nhận thức sâu sắc, đánh giá đúng tầm quan trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực hành chính. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân. Đồng thời, thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chuyên môn trực tiếp làm công tác này ở cả 3 cấp; tăng cường quản lý nhà nước về công tác khiếu tố; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm.

Đoàn Kiểm tra thuộc Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại khu vực lấn chiếm, tranh chấp (tiểu khu 192, xã Hòa Hải - Hương Khê). Ảnh: Tiến Dũng
Đoàn Kiểm tra thuộc Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại khu vực lấn chiếm, tranh chấp (tiểu khu 192, xã Hòa Hải - Hương Khê). Ảnh: Tiến Dũng

Nhìn chung, chất lượng các mặt công tác trong lĩnh vực này ở cả 3 cấp có chuyển biến rõ rệt. Tổ chức hệ thống tiếp dân ở tỉnh, cấp huyện và cơ sở được củng cố. Chế độ tiếp công dân được duy trì nền nếp với quy trình, thủ tục và nội dung thực hiện đúng quy định. Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu tố đã có nhiều tiến bộ về trình độ và kinh nghiệm, nghiệp vụ, về ý thức trách nhiệm, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ tham mưu cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp trong công tác này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập cần được nhìn nhận, đánh giá đúng để có giải pháp hợp lý nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trước hết, phải thấy rằng, tính thống nhất và tính ổn định trong hệ thống pháp luật còn có mặt hạn chế đã gây không ít khó khăn trong việc nghiên cứu, áp dụng các quy định vào thực thi nhiệm vụ dẫn đến không ít sai sót, vi phạm trong ban hành các quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn nhiều mặt yếu kém, chậm khắc phục đã và đang là nguyên nhân phát sinh nhiều đơn thư khiếu tố. Đặc biệt, chất lượng công tác tiếp dân, tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn và ở một số cơ quan, đơn vị cấp huyện vẫn còn hạn chế; không ít trường hợp còn thiếu sót, vi phạm. Mặt khác, sự tham gia của luật sư, các hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở chưa nhiều và chưa phát huy hiệu quả. Cá biệt, trong một số trường hợp đã có sự lợi dụng kích động, xúi giục, lôi kéo hoặc tư vấn, vận động không đúng chính sách pháp luật, “mồi” cho công dân kỳ vọng vào kết quả giải quyết khiếu kiện làm tình hình phức tạp hơn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Để khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu kiện, trước hết, cần tăng cường nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý KT-XH đồng bộ, thống nhất và ổn định. Trước mắt cần tập trung vào một số lĩnh vực mà hiện tại có nhiều đơn thư khiếu kiện như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

Thực tiễn hiện nay có trên 80% đơn khiếu nại và trên 60% đơn tố cáo có nội dung sai hoàn toàn và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng, do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế hạn chế xu hướng này, nhất là những đối tượng biết nội dung khiếu kiện là không có cơ sở song vẫn cố ý làm đơn gửi các ngành, các cấp. Bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với người khiếu nại, tố cáo khi không hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết như: không đến làm việc khi có giấy mời, không cung cấp tài liệu gốc, gây khó khăn cho công tác xác minh, thu thập thông tin. Điều cốt lõi nhất vẫn là chất lượng hoạt động của các cấp cơ sở và vai trò của người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast