Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù có quy định cấm buôn bán các loại đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực nhưng dịp Tết Trung thu này, nhiều cơ sở kinh doanh tại Hà Tĩnh vẫn tìm đủ mọi cách tuồn đồ chơi bạo lực như súng, kiếm các loại ra thị trường.

Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

Công an TP Hà Tĩnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của TP. Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở vẫn cố tình vi phạm. Ngày 17/9/2018, Công an TP. Hà Tĩnh phát hiện cửa hàng tạp hóa của chị Dương Thị Sen (xóm Liên Hà – xã Thạch Hạ) bày bán mặt hàng đồ chơi trẻ em bạo lực. Đoàn đã tiến hành lập biên bản, thu giữ 26 súng nhựa, 10 kiếm các loại và xử phạt 300.000 đồng.

Tiếp đó, ngày 19/9/2018, đơn vị tiếp tục phát hiện và tịch thu 12 súng nhựa các loại tại cơ sở kinh doanh của chị Điện Thị Hiên (Chợ TP. Hà Tĩnh).

Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

Súng đồ chơi được bán tại một cửa hàng trên đường Phan Đình Giót (TP. Hà Tĩnh)

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Trưởng Công an TP. Hà Tĩnh cho biết: “Vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn, nhất là đồ chơi trẻ em. Vì lợi nhuận, một số đối tượng vẫn lén lút nhập các loại đồ chơi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn cảnh báo (dùng cho lứa tuổi nào, nguy cơ với trẻ nhỏ), thậm chí có cả đồ chơi bạo lực. Nhận thức rõ những hệ lụy đi kèm với các sản phẩm đồ chơi này, ngay từ đầu tháng 8, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

Nhiều chủ cơ sở kinh doanh ở chợ Hội (thị trấn Cẩm Xuyên) giấu kín đồ chơi bạo lực, khi khách hỏi mua mới mang ra...

Cùng với TP. Hà Tĩnh, tình hình buôn bán đồ chơi bạo lực tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng khá nhức nhối. Bước vào bất kỳ cửa hàng bán đồ chơi Trung thu nào của chợ Hội (thị trấn Cẩm Xuyên), người tiêu dùng cũng dễ dàng mua được các đồ chơi bạo lực như súng, kiếm với đủ chủng loại, kích cỡ, màu sắc. Giá cả dao động từ 30 - 160.000 đồng/sản phẩm. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, nhiều chủ cơ sở giấu kín, khi khách hỏi mua mới mang sản phẩm ra, song cũng không ít cơ sở công khai bày bán.

Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

... tuy nhiên cũng không ít cơ sở bày bán công khai.

Theo Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, trong dịp cao điểm Tết Trung thu 2018 này, đơn vị đã xử lý 9 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, đồ chơi bạo lực tại TP. Hà Tĩnh, Hương Sơn và TX. Kỳ Anh với tổng số tiền xử phạt trên 6,7 triệu đồng. Đơn vị đã tịch thu, tiêu hủy 82 súng, 37 kiếm các loại.

Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

Đoàn Quản lý thị trường số 1 kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em tại chợ Hà Tĩnh vào sáng 21/9

Theo các chuyên gia tâm lý, đồ chơi là một yếu tố cần thiết giúp trẻ vui chơi giải trí, trải nghiệm và khám phá cuộc sống xung quanh. Qua đó, giúp trẻ hình thành nhân cách, năng động và tăng khả năng sáng tạo cho trẻ. Vì vậy, nếu để trẻ tiếp xúc và chơi những đồ chơi mang tính bạo lực, không đảm bảo về tiêu chuẩn, kỹ thuật và độ an toàn dễ khiến trẻ bị lệch lạc về quan điểm sống, hành vi ứng xử giao tiếp và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ cũng như trật tự an toàn xã hội. Để bảo vệ con em mình trước những tác hại xấu đó, các bậc cha mẹ cần cân nhắc, lựa chọn cho trẻ các đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.

Ngăn chặn đồ chơi bạo lực: Kiểm tra sát, xử phạt nghiêm!

Đồ chơi bạo lực được bày bán công khai tại chợ Cày (TT. Thạch Hà)

Ngoài ra, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nâng cao ý thức, chủ động tẩy chay các đồ chơi trẻ em bạo lực, kém chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để tạo sức răn đe.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast