Viện KSND với trách nhiệm bảo vệ quyền con người

(Baohatinh.vn) - Theo quy định của Hiến pháp, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất được giao chức năng quan trọng là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua thực hiện chức năng của mình, Viện kiểm sát có trách nhiệm, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, pháp chế, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...

Đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống

Bản Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 có những thay đổi lớn về chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao. Nội dung thay đổi thể hiện nhận thức mới đầy đủ hơn, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Điều 14 Hiến pháp đã quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật’’.

Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố trong phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thủy phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: Thăng Long
Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố trong phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thủy phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: Thăng Long

Tại khoản 3 Điều 107 Hiến pháp quy định rõ: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất’’.

Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật. Bảo đảm nguyên tắc bất cứ hành vi phạm tội nào xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân đều phải được phát hiện, xử lý trước pháp luật, đồng thời, bảo đảm các hoạt động điều tra, các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người bị tình nghi, bị can, bị cáo được tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, qua hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, viện kiểm sát đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam đúng luật định, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý được chấp hành nghiêm chỉnh, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát là một trong những phương thức để Viện kiểm sát bảo vệ quyền con người, quyền công dân, được quy định tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định’’.

Trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động truy tố, buộc tội người phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm và khôi phục các quyền và lợi ích của người bị hại, người có quyền, lợi ích liên quan bị xâm phạm. Mặt khác, hoạt động kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát còn đảm bảo cho hoạt động xét xử của tòa án tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo.

Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiến hành hoặc tham gia tố tụng giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự đảm bảo cho hoạt động tố tụng được tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thông qua hoạt động kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của tòa án, Viện kiểm sát bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, bảo đảm các quyền, lợi ích của người bị kết án không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

Tóm lại, thông qua việc thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo luật định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast