Djokovic thư hùng Murray: Khác biệt đến từ điều đơn giản

"Không ai có thể chặn đứng Djokovic hiện tại. Thật khó để hình dung ra kịch bản một ai đó sẽ đánh bại được Novak với phong độ như thế này," cựu tay vợt Tony Roche nhận định.

Sau khi chứng kiến Djokovic đánh bại Roger Federer ở bán kết theo kịch bản không thể ấn tượng hơn, còn Andy Murray phải mướt mồ hôi mới hạ được Milos Raonic ở trận đấu còn lại, người hâm mộ hẳn tìm ra được ai sẽ trở thành ứng viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch Australian Open 2016.

Rất khó để hạ Djokovic ở thời điểm này.

Rất khó để hạ Djokovic ở thời điểm này.

Chia sẻ với báo chí, Tony Roche, người từng vào chung kết Wimbledon 1968, đưa ra quan điểm thẳng thắn: "Andy Murray, một tay vợt chơi phòng ngự cuối sân, khó hạ được Novak".

Họ, những người sinh ra cùng năm 1987, nhưng số phận lại đang sắp xếp cho cả hai ngã rẽ trái ngược nhau. Murray và Djokovic bắt đầu tạo ra ân oán thời còn tham dự một giải đấu thiếu niên ở thị trấn Tarbes của Pháp, thuộc phía bắc của Lourdes, khi mới 13 tuổi. Ngày đó, Murray thắng dễ đối thủ 6-0. 6-1. Tất cả những gì ấn tượng nhất tay vợt người Scotland làm được cũng tồn tại trong trận đấu thời thơ ấu đó.

15 năm sau, ngôi sao người Serbia dẫn đối thủ 21-9 về thành tích đối đầu, đồng thời bỏ túi 10 Grand Slam, trong đó có 5 chức vô địch Australian Open. Với Murray, anh kém người đồng nghiệp đến 8 danh hiệu.

Cái đầu nặng trĩu của Murray

Murray cần loại bỏ những tác động hậu trường làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Murray cần loại bỏ những tác động hậu trường làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Trên báo The Age, trưởng ban thể thao Jake Niall nhận định, Murray có rất ít cơ hội giành chiến thắng trước Djokovic. Tiếng nói lịch sử cho thấy hiếm khi một tay vợt hạng 2 thế giới nói chung và Murray nói riêng tạo ra được bất ngờ trước tên tuổi số 1 thế giới, tức Djokovic, ở chung kết Grand Slam. Cách đây hai thập niên, Michael Chang, hạng 2 thế giới từng tạo ra đôi chút khó khăn cho Pete Sampras, hơn anh một bậc trong trận chung kết US Open, nhưng đẳng cấp của đại diện nước Mỹ đã tạo ra sự khác biệt.

Hôm nay, Djokovic vẫn còn khoảng cách rất xa so với không chỉ Murray, mà cả phần còn lại của làng banh nỉ. Trên đất Melbourne, đó giống như "hoàng thánh" của Djokovic. Anh thắng 5 trận chung kết tại đây. Còn Murray gục ngã 4 lần trước ngưỡng cửa vô địch. Ba trong số những thất bại đó toàn trước Djokovic. Tiếng vọng từ quá khứ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý luôn trở thành điểm yếu của Murray ở những trận cầu lớn.

Đó còn chưa kể đến tình trạng sức khỏe của ông bố vợ, người bất ngờ đột quỵ trên khán đài khi theo dõi Bernie Tomic chạm trán David Ferrer. Ngoài ra, bà xã Kim Sears gần tới ngày sinh đứa con đầu lòng cũng khiến Murray rơi vào trạng thái lo âu. Anh từng tuyên bố sẽ bỏ giải nếu có vào chung kết chăng nữa để bay về quê nhà "hộ đê". Thử nghĩ, nếu Kim gọi cho Murray trong bối cảnh anh đang nắm quyền giao bóng ở loạt tie-break với tỷ số là 6-5, diễn biến tiếp theo sẽ thế nào?

Murray cần giữ cho mình cái đầu lạnh trước Djokovic.

Murray cần giữ cho mình cái đầu lạnh trước Djokovic.

Không còn hoài nghi nào nữa, Murray có quá nhiều thứ trong suy nghĩ trước trận chung kết dự kiến diễn ra lúc 15 giờ 30 phút ngày 31/01. Điều này không có lợi cho chủ nhân hai danh hiệu Grand Slam. Từ bài học của Federer tại bán kết, Murray hiểu rất rõ chỉ một tâm lý thoải mái mới trở thành vũ khí lớn nhất khắc chế Djokovic bất khả chiến bại.

Murray hiểu anh không thể mong chờ đối thủ tự sa sút bởi khái niệm đó không tồn tại với ngôi sao người Serbia. Cơ hội cho Murray vượt qua Nole rất thấp, nhưng không có nghĩa dấu chấm hết xuất hiện.

Hãy nhìn những gì Simon làm

Ngoài Roger Federer, Gilles Simon trở thành tay vợt gần nhất khiến Djokovic trải qua một phen vất vả ở Australian Open 2016. Lối chơi của tay vợt hạng 15 thế giới người Pháp tạo ra một thứ gì đó khác biệt và khiến Djokovic cảm thấy không thoải mái. Người có thứ hạng cao hơn phạm tới 100 lỗi đánh bóng hỏng ở trận đấu đó. Dù Simon không nói, nhưng Murray nên xem lại băng ghi hình trận đấu của tay vợt này ở vòng 4 để rút ra cho bản thân bài học quý báu trước giờ xung trận.

Lối chơi của Gilles Simon từng khiến Djokovic gặp nhiều khó khăn.

Lối chơi của Gilles Simon từng khiến Djokovic gặp nhiều khó khăn.

Thứ tennis được chàng trai nước Pháp thể hiện là sự pha trộn của nhiều lối đánh. Anh không tạo ra cho đối thủ những đường banh yêu thích, theo đó, buộc Nole phải trả giao bóng ở góc khó. Ngoài ra, ý đồ tấn công của Simon rất biến ảo khiến nhà đương kim vô địch không biết phán đoán đường bóng tiếp theo ra sao. Những gì Simon thể hiện làm người hâm mộ nhớ đến cuộc chạm trán giữa Jimmy Connors, một "El Supremo" ở mùa giải 1975, gặp Arthur Ashe trong trận chung kết Wimbledon cùng năm.

Arthur Ashe khi đó hạ Jimmy sau 4 set nhờ kế hoạch xây dựng kỹ lưỡng trước trận đấu. Ông đánh bóng một cách nhẹ nhàng, sử dụng nhiều cú cắt bóng, đưa quỹ đạo bay của bóng nảy trên sân không quá cao, đồng thời khiến Jimmy không có cơ hội để chống trả. Hôm nay, Murray cần lắng nghe những gì Simon nói và công thức của Arthur Ashe để thắp lên cơ hội tạo cú sốc trước Djokovic.

Theo Jake Niall, sự khác biệt được Simon tạo ra nằm ở khả năng làm chậm nhịp độ và không bị cuốn vào thế trận do Nole xây dựng. Dù vậy, Murray lại có lối chơi rất giống với Djokovic. Anh thuộc típ trả giao bóng giỏi, chơi từ cuối sân tốt và phòng ngự hiệu quả. Yêu cầu niềm tự hào Scotland thay đổi chiến thuật như Simon chỉ sau 24 giờ như một nhiệm vụ bất khả thi. Ngoài ra, kỹ thuật của Nole cũng tốt hơn Murray rất nhiều.

Lúc này, công thức để gây bất ngờ một lần nữa thuộc về tâm lý, theo đó, từng pha xử lý của Murray ở thời điểm quyết định sẽ định đoạt cục diện trận đấu. Kiểm soát tâm lý và giữ cho cái đầu thoải mái, điều này nghe đơn giản nhưng thực hiện thành công lại thuộc về phạm trù hoàn toàn khác.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast