8 điểm nổi bật tại Đối thoại Shangri-la 13

Đối thoại Shangri-la 13 được cho là diễn đàn nóng nhất kể từ khi bắt đầu được tổ chức vào năm 2002 đến nay.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-la 13 vừa diễn ra cuối tuần trước tại Singapore trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 13 được đánh giá là một trong những hội nghị “nóng” nhất kể từ khi nó ra đời vào năm 2002. Dưới đây là một số điểm nổi bật của diễn đàn kéo dài 3 ngày với sự tham dự của 450 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cấp cao, các chuyên gia an ninh và học giả theo góc nhìn của tờ Straits Times.

Đối thoại Shangri-la 13 được cho là diễn đàn nóng nhất kể từ khi bắt đầu được tổ chức vào năm 2002 đến nay (Ảnh: straitstimes)
Đối thoại Shangri-la 13 được cho là diễn đàn nóng nhất kể từ khi bắt đầu được tổ chức vào năm 2002 đến nay (Ảnh: straitstimes)

1.Nhật Bản muốn đóng vai trò lớn hơn trong khu vực

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự Đối thoại Shangri-la 13 với tư cách diễn giả chính tại lễ khai mạc vào ngày 30/5. Ông Abe đã không ngần ngại bày tỏ ý định của Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, chủ động hơn trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và cam kết giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á để bảo vệ lãnh thổ.

Trong bài phát biểu đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tại diễn đàn, ông Abe một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản không trực tiếp “chỉ mặt đặt tên” cho bất kỳ nước nào nhưng ai cũng hiểu ông Abe đang nhằm vào Trung quốc, chỉ trích nước này đã và đang có những hành vi gây bất ổn, leo thang căng thẳng trong khu vực.

2. Mỹ chỉ trích Trung Quốc, nhấn mạnh chiến lược “xoay trục”

Ngày thứ 2 của Đối thoại Shangri-la 13, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã dùng những lời chỉ trích nặng nề dành cho Trung Quốc, ông Hagel cho rằng, Trung Quốc đang “hành động đơn phương, gây mất ổn định” trong khu vực.

Trong bài phát biểu cứng rắn “bất thường”, ông Hagel cảnh báo rằng, Washington sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị đe dọa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhắc lại cam kết của Mỹ với khu vực khi nói rằng, chiến lược “tái cân bằng ở châu Á Thái Bình Dương của chúng tôi là một thực tế”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh rằng, Washington sẽ không ngồi yên khi trật tự thế giới bị đe dọa (Ảnh: straitstimes)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh rằng, Washington sẽ không ngồi yên khi trật tự thế giới bị đe dọa (Ảnh: straitstimes)

3 . Trung Quốc đuối lý, cãi cùn

Trước những chỉ trích đến từ nhiều phía tại Đối thoại Shangri-la 13, Trung tướng Vương Quán Trung, phó Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc – trưởng đoàn Trung Quốc tham dự diễn đàn lần này đã lên tiếng chỉ trích Nhật Bản và Mỹ đang có những hành động “mang đậm bản chất của hệ tư tưởng bá quyền”.

Tướng Vương Quán Trung nói rằng, các bình luận trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là “không thể chấp nhận được” vì đã “khiêu khích” Bắc Kinh.

Theo ông Vương Quán Trung, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã “phối hợp và khuyến khích nhau” tấn công Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la – một diễn đàn an ninh khu vực thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế sau những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông, giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

4. Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam – chủ đề “nóng” nhất

Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong khu vực thềm lục địa, Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam là chủ đề “nóng” nhất tại diễn đàn lần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu tại diễn đàn cho biết, Việt Nam ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và khả năng kiện Trung Quốc lên một tòa án quốc tế chỉ là sự lựa chọn cuối cùng.

Trong khi đó, phía Trung Quốc tiếp tục cho rằng, Hà Nội và Bắc Kinh cần họp bàn song phương để tìm ra giải pháp cho những căng thẳng hiện nay và Washington không nên can thiệp vào vấn đề này.

Tàu kéo KN 72 đang kéo tàu cá Việt Nam bị nạn từ Vịnh Đà Nẵng vào bờ
Tàu kéo KN 72 đang kéo tàu cá Việt Nam bị nạn từ Vịnh Đà Nẵng vào bờ

5. Vấn đề đảo chính quân sự ở Thái Lan

Thái Lan đang nằm dưới sự quản lý của một chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính hồi tháng trước. Vấn đề này cũng là tâm điểm tại Đối thoại Shangri-la 13.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Hagel đã kêu gọi các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính phóng thích các tù nhân, cho phép tự do ngôn luận và sớm tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ.

Đáp lại, ông Sihasak Phuangketkeow, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan người đã dẫn đầu phái đoàn Thái Lan cho biết, nước ông luôn tôn trọng dân chủ, tuy nhiên nước này cần phải cải cách chính trị trước khi tổ chức bầu cử, đồng thời kêu gọi các đối tác cho Thái Lan thêm thời gian để thực hiện việc này.

6 . Bầu không khí căng thẳng bất thường

Bầu không khí tại Đối thoại Shangri-la 13 được đánh giá là căng thẳng bất thường trong bối cảnh những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang “tăng nhiệt”.

Trái với không khi thân mật, mọi bất đồng luôn được diễn đạt một cách lịch sự như tại các diễn đàn trước đó, tại Đối thoại Shangri-la 13, các đại biểu không ngần ngại nói ra suy nghĩ của họ, đôi khi là với một thái độ khá cộc cằn. Tiêu biểu là ông Vương Quán Trung, ông này thậm chí đã mô tả bài phát biểu của ông Hagel là “mang đậm bản chất của hệ tư tưởng bá quyền”, là “mối đe dọa và đe dọa”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la 13 (Ảnh: straitstimes)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la 13 (Ảnh: straitstimes)

7. ASEAN-Trung Quốc vẫn giữ được mối quan hệ bình thường

Theo giới phân tích, vì những lợi ích kinh tế không phải bàn cãi, dường như ý định của ông Abe xây dựng mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với các nước ASEAN không khiến Trung Quốc cảm thấy quá lo lắng.

Cho đến nay, Singapore và Indonesia đã công khai hoan nghênh động thái của ông Abe trong khi các nước thành viên ASEAN khác, chẳng hạn như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc chưa có phản ứng rõ ràng.

8. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Giới phân tích cho rằng, trong khi các bên có những tranh luận, trao đổi sôi nổi về tranh chấp lãnh thổ, vấn đề đặt ra hiện nay là Trung Quốc sẽ “trỗi dậy hòa bình” theo cách nào, bởi những gì đang diễn ra không cho thấy một Trung Quốc nói đi đôi với làm.

Phát biểu tại phiên bế mạc của Đối thoại Shangri-la 13, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ còn phải “vật lộn” với những căng thẳng, tranh chấp trong thời gian tới.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast