Biệt đội chống "tin vịt" ở Ấn Độ

Những thông tin giả mạo thường giật gân, tác động trực tiếp vào cảm xúc của con người nên dễ được đọc và chia sẻ nhưng hậu quả thật khó lường. Nhằm chống tin thất thiệt lan truyền trên mạng, một số chuyên gia tin học ở Ấn Độ đã lập trang web giúp kiểm chứng thông tin.

biet doi chong tin vit o an do

Đủ loại tin giả

Hồi đầu năm 2017, người dân Ấn Độ được một phen “hú vía” khi có thông tin một đám đông dân làng ở bang Jharkhand, miền Đông Ấn Độ đã đánh chết 7 người vì nghi nạn nhân là những kẻ bắt cóc, buôn bán trẻ em. Nhưng sau khi các cơ quan chức năng điều tra thì đây chỉ là thông tin bịa đặt.

Sự việc bắt nguồn từ một tin đồn lan truyền trên ứng dụng WhatsApp, kêu gọi mọi người cẩn trọng với kẻ lạ xuất hiện vì đó có thể là bọn bắt cóc trẻ em. Khi tin này lan truyền trên mạng, người dân vì quá lo cho sự an toàn của con cháu mình mà trở nên quá khích. Họ tự trang bị vũ khí và bắt đầu tấn công vào những người khả nghi, dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người vô tội.

Những tin giả mạo lan truyền trên mạng khiến người dân lo lắng, hoang mang không phải là chuyện hiếm ở Ấn Độ. Hồi tháng 11-2016, tin cảnh báo sự khan hiếm muối ở miền Bắc Ấn Độ đã lây lan nhanh chóng, khiến người dân hoảng sợ. Trong năm 2013, một đoạn video quay lại cảnh một đám người gốc Pakistan đánh đập 2 cậu bé người Hindu ở làng Kawal (huyện Muzaffarnagar) đã kích động bạo loạn ở khu vực này.

Chuyên gia chống “tin vịt”

Tháng 8-2015, Pankaj Jain - kỹ sư 39 tuổi đến từ Mumbai đã lập trang web SMHoaxSlayer.com với mục đích kiểm chứng các nguồn tin lan truyền trên mạng.

“Tôi không phải là một kẻ cực đoan và cũng không có thái độ phân biệt đối với bất kỳ tôn giáo, giai cấp hay đảng phái chính trị nào. Nhiệm vụ của tôi là chỉ ra những tin tức, video hoặc tin nhắn giả mạo lan truyền trên web hoặc các cổng thông tin xã hội” - Jain trả lời The Sunday Guardian - “Thời đại công nghệ thông tin, giữa rừng tin tức, nhưng tôi có thể phân biệt những tin tức giả mạo xung quanh mình - ví dụ như hình ảnh đã được photoshop, chỉnh sửa, nguồn gốc của nội dung tin đó. Sau khi đã có đủ bằng chứng kết luận đó là thông tin giả, hình ảnh giả, tôi đăng bài “vạch trần” sự giả dối trên trang web của mình”.

Jain trở nên nổi tiếng sau khi là một trong những người đầu tiên lên tiếng bác bỏ thông tin đang lan truyền trên mạng rằng tờ 2.000 rupee mới của Ấn Độ có gắn “chip nano GPS” để theo dõi quá trình giao dịch của nó.

Đầu năm nay, Pratik Sinha, kỹ sư phần mềm 35 tuổi ở Ahmedabad đồng sáng lập trang web Altnews.in. Altnews.in giúp kiểm tra tính xác thực của các câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội và WhatsApp, kiểm chứng hình ảnh và video, giúp vạch rõ đâu là tin đồn thất thiệt. Cho đến nay, Sinha đã vạch trần nhiều tin giả, trong đó có một đoạn video được cho là một cô gái Hindu bị đám đông người Hồi giáo đánh đập nhưng thực chất nó xuất hiện trên mạng 2 năm trước đó và cô gái trong đoạn clip là người Guatemala.

Shammas Oliyath, người điều hành trang web Check4spam.com, có nhiệm vụ phân loại tin thật và tin giả trên WhatsApp. Shammas nhận khoảng 200 tin nhắn nhờ kiểm chứng trên WhatsApp mỗi ngày. Oliyath được nhiều người biết đến sau khi buộc một hãng truyền thông rút lại bài báo có nội dung không đúng sự thật.

Chiến lược chống tin giả

Gần đây, tại New Delhi đã diễn ra một hội nghị để bàn về nguồn gốc cũng như nguồn “nuôi dưỡng” những tin tức giả mạo với sự tham gia của các nhà báo, các chuyên gia về công nghệ thông tin và truyền thông của Ấn Độ.

Tờ Indian Express dẫn lời ông Nasr ul Hadi, một chuyên gia của Trung tâm Báo chí Quốc tế (ICFJ) đang triển khai các dự án về truyền thông ở Ấn Độ cho rằng, nếu muốn ngăn chặn được tin tức giả mạo thì điều đầu tiên là phải phân loại được chúng.

Theo ông có 3 loại tin tức giả mạo: Tin giả mạo có nguồn gốc từ tin đồn lan truyền trong cộng đồng mạng; tin sai lệch xuất phát từ các hãng tin hay các tờ báo, nguyên nhân là nguồn tin không đáng tin cậy hay đưa tin thiếu xác minh; tin giả mạo được tạo ra có chủ đích.

Ông Hadi lập luận, một khi đã hiểu được bản chất của các tin giả mạo, Chính phủ, giới công nghệ và truyền thông sẽ lập được những chiến lược hiệu quả hơn để ngăn chặn chúng.

“Có 3 loại tin tức giả mạo: Tin giả mạo có nguồn gốc từ tin đồn lan truyền trong cộng đồng mạng; tin sai lệch xuất phát từ các hãng tin hay các tờ báo, nguyên nhân là nguồn tin không đáng tin cậy hay đưa tin thiếu xác minh; tin giả mạo được tạo ra có chủ đích”, - ông Nasr ul Hadi (Chuyên gia của Trung tâm Báo chí Quốc tế - ICFJ)

Theo ANTĐ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast