“Bóng ma 2008” ám ảnh bà Clinton ở Iowa

Trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở bang Iowa ngày 1-2 tới, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã không còn nắm chắc chiến thắng trong tay. “Bóng ma” của thất bại 2008 đang quay lại ám ảnh bà.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang có những bước tiến ngoạn mục - Ảnh: Reuters

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang có những bước tiến ngoạn mục - Ảnh: Reuters

Năm 2008, bà Clinton khởi đầu cuộc đua tới Nhà Trắng với tư cách là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ. Nhưng bà đã thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa trước Thượng nghị sĩ Barack Obama.

Và bà không bao giờ phục hồi được sau thất bại đó, cuối cùng ngậm ngùi chứng kiến ông Obama giành chiếc vé đại diện Đảng Dân chủ rồi đánh bại Thượng nghị sĩ John McCain để bước vào Nhà Trắng.

Và có nguy cơ lịch sử lặp lại đối với bà Clinton. Khi tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2016, cựu ngoại trưởng Mỹ cũng được đánh giá là ứng cử viên số một của Đảng Dân chủ. Suốt nửa cuối năm 2015, các khảo sát đều cho thấy bà Clinton chắc chắn ở Iowa. Tuy nhiên trong thời gian qua, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã có những bước tiến rất mạnh mẽ.

So kè gắt gao

Theo các kết quả khảo sát mới nhất, bà Clinton và ông Sanders đang so kè dữ dội tại Iowa. Khảo sát của Emerson College Polling Society hồi giữa tuần cho thấy bà Clinton đạt tỷ lệ ủng hộ 52% ở Iowa, trong khi ông Sanders có 43%. Nhưng khảo sát của CNN/ORC cho thấy ông Sanders có tỷ lệ ủng hộ tới 51% so với mức 43% của bà Clinton.

Báo Washington Post nhận định nếu ông Sanders vượt lên ở Iowa rồi thừa thắng xông lên tại New Hampshire, bà Clinton sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Kể cả nếu cuối cùng bà có giành được vé đại diện Đảng Dân chủ thì vị thế của bà cũng sẽ bị suy yếu đáng kể. Do đó, bà rất cần chiến thắng ở Iowa để cản trở đà tiến công của ông Sanders.

Thông điệp tranh cử của ông Sanders là tạo ra sự thay đổi ở Washington D.C, tạo ra sự bình đẳng cho tất cả mọi người, lên án sự thao túng của Phố Wall và đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu cho người lao động Mỹ. Do đó, dù đã lớn tuổi nhưng ông Sanders đã thu hút được nhiều cử tri Dân chủ và độc lập trẻ.

“Hình ảnh của Bernie Sanders là rất mạnh mẽ, kết nối được với các cử tri trẻ, độc lập” - AP dẫn lời chiến lược gia Dân chủ Steve McMahon nhận định. Chiến lược của ông Sanders cũng có phần tương tự ông Obama hồi năm 2008. Bản thân ông Sanders cũng nhiều lần nhắc đến chiến thắng của ông Obama năm 2008 ở Iowa để so sánh với bản thân.

Trong khi đó, bà Clinton nhấn mạnh tới yếu tố kinh nghiệm của mình. “Tôi đủ sức đưa nhiều năm kinh nghiệm của mình vào sử dụng ngay lập tức” - bà Clinton nhấn mạnh. Thông điệp của bà Clinton là bà có thể lập tức điều hành đất nước ngay từ ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng.

Con đường gập ghềnh

Ý bà là bà không không cần phải trải qua một giai đoan học việc như ông Sanders, một thượng nghị sĩ không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại. Bà Clinton và các cố vấn cũng chỉ trích những đề xuất của ông Sanders là quá lý tưởng và phi thực tế, do đó khó có thể thực hiện được.

Bà cho rằng việc ông Sanders đề xuất một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân mới sẽ đánh đổ những nỗ lực mà Tổng thống Obama đã đạt được với chương trình Obamacare. “Đối thủ của tôi, Thượng nghị sĩ Sanders, muốn làm lại từ đầu tất cả mọi thứ” - bà Clinton đánh giá.

Dự kiến trong tuần tới, hai ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ tổ chức hàng loat cuộc vận động ở Iowa và sẽ còn đụng độ chan chát cho đến ngày bước vào cuộc quyết chiến ở mặt trận Iowa. Đến thời điểm này, giới quan sát vẫn nhận định bà Clinton vẫn là ứng cử viên số một của Đảng Dân chủ.

Nhưng vấn đề là bà Clinton hoàn toàn không nắm chắc chiến thắng trong tay, và có thể sẽ phải đối mặt với một cú vấp ngã đau đớn tương tự như năm 2008. Con đường trở lại Nhà Trắng của bà Clinton sẽ rất gập ghềnh.

Bà Hillary Clinton không còn là ứng cử viên chắc thắng - Ảnh: Reuters

Bà Hillary Clinton không còn là ứng cử viên chắc thắng - Ảnh: Reuters

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast