Đối thoại cấp cao Nga - Mỹ hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine

Ngoại trưởng Nga và Mỹ vừa nhất trí giúp Ukraine thực thi thỏa thuận hòa giải.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực tự trị Crimea thuộc Ukraine, Nga và các cường quốc đang nỗ lực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao hạ nhiệt tình hình.

Ngoại trưởng Lavrov (trái) và Kerry (phải) (ảnh: americanstandwithisrael)

Ngoại trưởng Lavrov (trái) và Kerry (phải) (ảnh: americanstandwithisrael)

Ngoại trưởng Nga và Mỹ vừa có cuộc gặp đầu tiên về vấn đề Ukraine, nhất trí giúp Ukraine thực thi thỏa thuận hòa giải do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Các bên cho rằng đối thoại trực tiếp giữa Nga và Ukraine có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các cuộc tiếp xúc cấp cao về tình hình Ukraine diễn ra trong bối cảnh phương Tây tăng cường thuyết phục Nga rút lực lượng về căn cứ ở Crimea và tránh nguy cơ nổ ra xung đột. Các bên đã đạt được nhận thức chung rằng tình trạng đối đầu sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào.

Sau cuộc gặp cấp Ngoại trưởng tại Paris (Pháp) về tình hình Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như tình hình phức tạp nảy sinh sau đó cần được giải quyết thông qua đối thoại.

Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và cuộc gặp chung cùng Ngoại trưởng các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ phát biểu với báo giới sau các cuộc gặp cho biết: “Chúng tôi nhất trí tiếp tục thảo luận với Nga, với Ukraine trong vài ngày tới nhằm tìm biện pháp giúp ổn định tình hình và giải quyết cuộc khủng hoảng. Những quan điểm này đã được Nga, Mỹ, các nước châu Âu và Ukraine chia sẻ trực tiếp. Các bên nhất trí về tầm quan trọng của nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại".

Ông Kerry bày tỏ Mỹ hy vọng tình hình tại Ukraine sẽ “xuống thang” sau khi phương Tây đề xuất hỗ trợ Ukraine 11 tỉ euro (tương đương 15 tỉ USD). Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng, ông và người đồng cấp Mỹ đã nhất trí cần hỗ trợ người dân Ukraine thực hiện thỏa thuận ký ngày 21/2 về cải cách Hiến pháp, thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc và tiến hành bầu cử Tổng thống. Theo ông Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận rằng không thể đạt thỏa thuận trung thực nhằm ổn định tình hình tại Ukraine trong điều kiện đe dọa và ngôn ngữ tối hậu thư, mà điều quan trọng là phải tạo được bầu không khí tin cậy trong đối thoại.

Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với các đối tác phương Tây về vấn đề Ukraine: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận kéo dài về Ukraine. Chúng tôi lo ngại về những gì đang diễn ra ở nước này và nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận trong những ngày tới để tìm cách giúp ổn định tình hình và giải quyết khủng hoảng”.

Cùng ngày, ông Kerry cũng gặp riêng rẽ Ngoại trưởng lâm thời Ukraine Andriy Deshchytsia, sau đó Ngoại trưởng Mỹ, Anh và Ukraine đã gặp gỡ 3 bên và ra tuyên bố chung khẳng định vai trò quan trọng của một cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine với sự trung gian của các tổ chức quốc tế.

Tuyên bố nhất trí cần cử sớm các quan sát viên quốc tế đến Ukraine, đặc biệt là đến các tỉnh miền Đông và Cộng hòa tự trị Crimea. Theo dự kiến, Ngoại trưởng Nga và Mỹ tiếp tục có cuộc gặp trong ngày hôm nay (6/3) tại Italy. Cùng thời điểm, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ họp phiên khẩn cấp về tình hình Ukraine.

Tình hình được cho là sẽ còn diễn biến phức tạp khi phương Tây kêu gọi triển khai quan sát viên quốc tế tới Crimea, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga. Nga cho rằng người dân Ukraine và Crimea có quyền quyết định việc có muốn có các giám sát viên quốc tế hay không. Chính quyền Crimea thông báo sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế của khu vực tự trị này trong tháng 3 này, sớm hơn so với kế hoạch trước đó./.

Ngọc Khương

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast