Giấc mơ dang dở của Cách mạng Ai Cập

Bầu không khí căng thẳng và bất ổn an ninh bao trùm Ai Cập vào đúng dịp 4 năm bùng phát làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak. Bốn năm đã trôi qua, song những mục tiêu mà cuộc biểu tình đặt ra vẫn chỉ là giấc mơ dang dở.

Hàng nghìn người biểu tình Ai Cập tụ tập ở quảng trường Tahrir ở Cairo để phản đối, đòi chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực năm 2011.

Hàng nghìn người biểu tình Ai Cập tụ tập ở quảng trường Tahrir ở Cairo để phản đối, đòi chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực năm 2011.

Đối với phần lớn công chúng Ai Cập, ký ức về làn sóng biểu tình cách đây 4 năm chỉ còn lại dư vị đắng. Khẩu hiệu "bánh mỳ, tự do và công bằng xã hội" của sự kiện ngày 25/1/2011 chưa được thực hiện trong khi Ai Cập vẫn đang vật vã tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt hiện nay.

Làn sóng biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã kéo theo giai đoạn bất ổn triền miên tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này. Các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và các cơ sở trọng yếu gia tăng mạnh kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi đầu tháng 7/2013. Hoạt động của các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan không chỉ giới hạn tại Bán đảo Sinai mà còn mở rộng sang thủ đô Cairo và các tỉnh, thành đông dân thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile. Các khu vực nằm dọc đường biên giới trống trải với Libya cũng trở thành điểm nóng an ninh mới trước sự trỗi dậy của các nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Dù có quy mô nhỏ hơn trước, nhưng các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vẫn tiếp tục diễn ra hàng tuần tại các trường đại học, các khu dân cư nghèo nội đô và các vùng nông thôn hẻo lánh. Điều đó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của phong trào Hồi giáo này bất chấp các biện pháp đàn áp mạnh tay của chính quyền trong suốt hơn một năm qua. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện Zogby (Mỹ) vừa công bố cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ MB ở Ai Cập vẫn ở mức 43%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với tỷ lệ phản đối (44%).

Xe bọc thép của quân đội được triển khai tại lối vào Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 25/1/2015. Ảnh: THX/TTXVN

Xe bọc thép của quân đội được triển khai tại lối vào Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 25/1/2015. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nguồn tin chính thức, hơn 10.000 người đã bị bắt giữ trong năm 2014 với các cáo buộc liên quan đến khủng bố và bạo lực chính trị. Trong khi đó, thống kê độc lập của các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho thấy lực lượng an ninh Ai Cập đã bắt giữ hơn 41.000 người kể từ cuộc chính biến mùa Hè năm 2013. Chỉ tính riêng năm 2014, hơn 150 cảnh sát đã bị thiệt mạng trong các vụ tấn công của các phần tử cực đoan. Chính quyền Ai Cập cũng hai lần phải thông báo quốc tang sau các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng quân đội tại Sinai và vùng sa mạc phía Tây giáp với Libya.

Về mặt chính trị, Ai Cập đã tổ chức hàng loạt cuộc tổng tuyển cử hết sức tốn kém, song các thể chế trụ cột hiện vẫn chưa được hoàn thiện. Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 3 tới sẽ là cuộc bỏ phiếu lần thứ 7 tại quốc gia Bắc Phi này và là chặng cuối cùng trong lộ trình chuyển tiếp chính trị 3 bước thời hậu Morsi. Cuộc bỏ phiếu bị trì hoãn từ lâu dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian kỷ lục với tổng cộng 47 ngày tới tận đầu tháng 5.

Trên chính trường, sau khi trải qua giai đoạn chuyển tiếp đầy xáo trộn kéo dài gần một năm rưỡi và một năm cầm quyền ngắn ngủi của cựu Tổng thống Mohamed Morsi với chương trình nghị sự mang nặng tính bè phái, quyền lực một lần nữa trở về tay quân đội. Các quan chức chế độ cũ từng bị đặt ngoài vòng pháp luật dần xuất hiện trở lại trên chính trường, đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak cùng các phụ tá thân cận được tuyên trắng án hồi tháng 11 năm ngoái.

Ngược lại, các lực lượng thanh niên từng đi đầu trong làn sóng biểu tình ngày 25/1/2011 đã và đang trở thành mục tiêu trấn áp của chính quyền, bên cạnh những người ủng hộ MB. Kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Morsi, truyền thông trong nước không ngần ngại tố cáo các lực lượng thanh niên cách mạng nhận tiền tài trợ từ bên ngoài và âm mưu gây bất ổn cho đất nước. Nhiều thủ lĩnh của cuộc biểu tình 4 năm về trước bị bắt giữ và kết án do vi phạm Luật biểu tình mới gây tranh cãi được Chính phủ Ai Cập thông qua vào tháng 11/2013.

Những thực tế đáng buồn nói trên gây thất vọng cho hàng triệu người từng xuống đường biểu tình với hy vọng tràn trề về một tương lai tươi sáng cho đất nước và cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, quá mệt mỏi sau 4 năm chứng kiến bất ổn chính trị - an ninh, suy giảm kinh tế và mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng, người dân Ai Cập hiện không còn mong mỏi gì hơn ngoài sự ổn định - tiền đề để khôi phục nền kinh tế èo uột hiện nay.

Trong thông điệp mới đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã khẳng định rằng ưu tiên số một của Ai Cập trong thời điểm hiện nay là sự ổn định và đó chính là chìa khóa cho các vấn đề mà quốc gia này đang phải đối mặt. Giờ là lúc mọi người cần hy sinh cái tôi cá nhân, vì lợi ích của đất nước và vì lợi ích của chính họ.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast