Hết kiên nhẫn với phương Tây, Pháp “bắt tay” Nga, Trung Quốc

Trong bối cảnh ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và Anh rút khỏi EU (Brexit), chính quyền Pháp đã bắt đầu coi Nga và Trung Quốc như là các đối tác để làm đối trọng với quan hệ thương mại không bền vững với Anh và Mỹ.

het kien nhan voi phuong tay phap bat tay nga trung quoc

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Macron

Nhận định trên do tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa ra dựa trên những tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Theo vị Bộ trưởng này, Pháp đang quan ngại trước khả năng Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga để trở thành “sen đầm thương mại quốc tế”.

Theo WSJ, Pháp đang mất đi sự quan tâm đến thương mại Đại Tây Dương. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ WSJ, Bộ trưởng Bruno Le Maire tuyên bố, Paris đang coi Trung Quốc và Nga như là đối trọng đối với các quan hệ thương mại không bền vững giữa Pháp với Mỹ và Anh.

Theo WSJ, tuyên bố của Bộ trưởng Bruno Le Maire cho thấy các quốc gia châu Âu đang có kế hoạch xem xét lại các mối quan hệ kinh tế-thương mại của mình trong bối cảnh diễn ra Brexit và Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”

“Chúng tôi dự định sẽ từ bỏ thế giới mà ở đó vai trò thống trị thuộc về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, và bắt đầu tìm kiếm cách tiếp cận cân bằng hơn”- Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố, đồng thời bổ sung rằng Pháp dự định sẽ thiết lập “hành lang” thương mại từ châu Âu qua Nga đến Trung Quốc.

Theo WSJ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự định sẽ thúc đẩy vấn đề này trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Trung Quốc dự định được thực hiện trong tháng 1/2018, cũng như khi ông tham gia vào Diễn đàn Tài chính Quốc tế được tổ chức tại thành phố Saint-Peterburg của Nga vào tháng 5/2018.

Tuy nhiên, WSJ cũng bày tỏ nghi ngờ rằng Paris sẽ dễ dàng thay thế được Anh và Mỹ bằng các đối tác phương Đông. Trong năm 2016, kim ngạch thương mại của Pháp với Mỹ và Anh đạt 119,5 tỷ Euro, trong khi kim ngạch thương mại của Pháp với Nga và Trung Quốc chỉ đạt 78,1 tỷ Euro.

Quyết định của Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron trong việc “mở rộng các quan hệ thương mại” chủ yếu được đưa ra do khoảng cách giữa Paris với Washington đang ngày càng bị nới rộng. Hồi tháng 12/2017, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã gửi cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin một bức thư, trong đó bày tỏ sự quan ngại trước việc Mỹ xem xét lại đạo luật về thuế. Đạo luật này sẽ tạo cho các công ty Mỹ lợi thế và làm giảm khả năng các công ty này đầu tư tiền vào châu Âu.

“Mỹ là đồng minh gần gũi nhất và là đối tác thương mại chính của châu Âu, nhưng chúng tôi đang thấy có nhiều khó khăn rõ ràng trước mắt”- Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire khẳng định.

het kien nhan voi phuong tay phap bat tay nga trung quoc

Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Bruno Le Maire cũng lên tiếng chỉ trích Washington vì đã tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận đối với các công ty nước ngoài có quan hệ kinh tế với Nga. Theo Bộ trưởng Pháp, các lệnh cấm vận này được áp đặt để biến Mỹ trở thành “sen đầm thương mại quốc tế”.

Trước đó, trong chuyến thăm đến Nga từ ngày 18-19/12/2017, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã rất tích cực trong việc làm sống động mối quan hệ kinh tế Pháp-Nga- mối quan hệ đã bị tác động tiêu cực đáng kể từ các lệnh cấm vận chống Nga của châu Âu do Nga đã “xâm chiếm Crimea”.

Trong các cuộc đàm phán cấp cao Nga-Pháp, lãnh đạo hai bên đã đồng thuận bắt đầu hợp tác kỹ thuật giữa các chuyên gia chính phủ và một số công ty Pháp trong lĩnh vực các nguồn năng lượng tái tạo. Theo ông Bruno Le Maire, Nga và Pháp cần phải củng cố hợp tác kinh tế và chuẩn bị cho thời điểm các lệnh cấm vận chống Nga sẽ được dỡ bỏ.

“Các điều kiện để hủy bỏ hoặc giảm bớt cấm vận vẫn chưa chín muồi nhưng tôi rất hy vọng rằng tình hình sẽ nhanh chóng thay đổi”- Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc khôi phục quan hệ kinh tế Pháp-Nga sẽ không hề đơn giản bởi các rào cản về chính trị. Pháp không hài lòng khi Nga ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sáp nhập Crimea và hoạt động của các haker Nga. Hơn nữa, trong thành phần Chính phủ Pháp vẫn còn có một số quan chức phản đối khả năng đưa Pháp xích lại gần Nga.

Chính vì vậy, chuyến thăm Nga và tham dự Diễn đàn Tài chính Quốc tế tại thành phố Saint-Peterburg của Nga vào tháng 5/2018 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có ý nghĩa rất lớn đến việc giải quyết các bất đồng chính trị hai bên để tập trung thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế.

Theo Infonet

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast