Hồng Kông đang dần xuống hạng và sự trỗi dậy của Thâm Quyến

Sự trỗi dậy của Thâm Quyến và sự suy yếu của Hồng Kông đang đặt Hồng Kông vào một tình thế khá bất lợi.

Hồng Kông đang dần xuống hạng và sự trỗi dậy của Thâm Quyến

Ảnh: CNN

Làng chài mang tên Thâm Quyến một thời từng được coi như lối chạy thoát sang Hồng Kông của nhiều người Trung Quốc. Hồng Kông khi ấy được mệnh danh “thành phố của những ước mơ”.

Để chạm được vào ước mơ bên kia biên giới, người ta phải vượt qua hàng rào dây thép gai chằng chịt, rồi đến một con sông ngập bùn, một hàng rào cao và tiếp đó đến một khu vực cấm. Hoặc người ta cũng có thể bơi qua biển để sang đến Hồng Kông, nhưng họ sẽ phải đối diện với rủi ro mất mạng bởi bị cá mập tấn công hay chết đuối.

Giờ đây, có lẽ không người Trung Quốc nào còn muốn liều mạng như vậy để sang được đến Hồng Kông nữa. Hồng Kông đang mất đi sức hấp dẫn của mình. Trong khi đó, thành phố Thâm Quyến, thành phố được chính phủ Trung Quốc xây dựng với mục đích ban đầu là để tạo nên đối trọng với Hồng Kông, đã phát triển vượt bậc.

Thâm Quyến giờ là một trong những trung tâm công nghệ phần cứng của thế giới, được coi như điểm đến hấp dẫn của rất nhiều nhân lực chất lượng cao toàn cầu.

Sự trỗi dậy của Thâm Quyến và sự suy yếu của Hồng Kông đang đặt Hồng Kông vào một tình thế khá bất lợi, theo bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Giờ đây bên cạnh một Thâm Quyến phát triển bùng nổ, Hồng Kông bỗng trở nên quá bình thường và xu thế này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Tuần trước, trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo về “lằn ranh đỏ”.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mọi ý đồ gây nguy hiểm cho chủ quyền, an ninh, thách thức quyền lực của chính quyền trung ương hoặc dùng Hồng Kông để tiến hành hoạt động phá hoại chống đại lục là “hành động vượt lằn ranh đỏ và tuyệt đối không được phép”.

Trong bảng xếp hạng các thành phố của Trung Quốc, Hồng Kông đang tụt hạng dần. Nếu như vào năm 1997, Hồng Kông đóng góp 18% GDP của Trung Quốc, nay tỷ lệ đó chỉ còn 3%. Cảng Hồng Kông một thời sôi động nhất thế giới nay đã tụt xuống vị trí thứ năm, sau cảng Thâm Quyến và Thượng Hải.

Từ một vị thế khác biệt, nay Hồng Kông cũng chẳng khác gì các thành phố khác của Trung Quốc.

Thâm Quyến đã chuyển mình thành công thành một trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Cùng lúc đó, Thâm Quyến cũng nổi lên trong vai trò của một trung tâm công nghệ.

Trong khi đó, một Hồng Kông vẫn đi theo lối phát triển cũ dựa vào ngành ngân hàng, bất động sản và dịch vụ đã không thể tạo được đột phá nào thực sự lớn. Tất nhiên sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng Hồng Kông đã không có thành tựu gì.

20 năm qua, kinh tế Hồng Kông tăng trưởng cao nhờ những đồng đôla và tiền vốn rót vào bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, Hồng Kông cũng được coi như kênh dẫn vốn quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc.

Trong con mắt của người Trung Quốc, Hồng Kông sẽ dần trở nên bình thường hơn, Hồng Kông sẽ chỉ còn như một thành phố vệ tinh của thành phố Thâm Quyến, được nối với Thâm Quyến bằng những cây cầu, đường hầm, đường sắt tốc độ cao chạy quanh khu vực đồng bằng sông Châu.

Theo BizLive

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast