Kỳ diệu cuộc giải cứu 4 thợ mỏ kẹt 36 ngày dưới lòng đất

Tối 29/1 là một đêm đông lạnh nhất trong 30 năm qua ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), nhưng không khí tại mỏ thạch cao Ngọc Vinh ở huyện Bình Ấp lại vô cùng nóng bỏng.

Một trong bốn thợ mỏ được cứu - Ảnh: Reuters

Một trong bốn thợ mỏ được cứu - Ảnh: Reuters

Cuộc giải cứu các thợ mỏ bị mắc kẹt dưới mỏ khai thác nằm sâu hơn 200m dưới lòng đất bắt đầu có kết quả đầu tiên.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất qua đường thông khí vào khoảng 21g20 trong tiếng reo hò của người dân và lực lượng cứu hộ.

Cuộc giải cứu diễn ra đúng 90 phút, từng người một được thận trọng đưa ra khỏi nơi mắc kẹt một cách an toàn.

Cả bốn thợ mỏ Triệu Chí Thành, Lý Cầu Thắng, Quản Khánh Lực và Hoa Minh Tập ngay lập tức được chuyển đến Bệnh viện Bình Ấp để kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ Cao Khánh Đức - phó giám đốc Bệnh viện Bình Ấp - cho biết bốn người chỉ bị thương ngoài da và có triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Như trận động đất

Ngày 25-12, mỏ thạch cao Ngọc Vinh bất ngờ đổ sập khi có 29 công nhân còn làm việc dưới các hầm. Mười người được cứu ngay sau đó. Chấn động của vụ sập mỏ được người dân địa phương mô tả tương đương với trận động đất có cường độ 4 độ Richter.

Một ngày sau, thêm 5 thợ mỏ được cứu thoát, 1 người được xác nhận đã thiệt mạng nhưng còn 13 người khác vẫn bặt vô âm tín.

Hơn 60 chuyên gia cứu hộ, địa chất và các chuyên viên khoan hầm giỏi nhất Trung Quốc được đưa đến hiện trường ngay sau tai nạn, trong đó có 4 chuyên gia người Đức. Hỗ trợ họ là khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ và người dân địa phương.

Điều kiện cứu hộ khá nguy hiểm do đất đá còn rơi rào rào xung quanh bởi cấu trúc ở khu mỏ Ngọc Vinh đã bị suy yếu.

Càng khó khăn hơn khi nước tràn vào khu hầm khai thác và khí carbon rò rỉ ngay khi lực lượng cứu hộ đặt mũi khoan đầu tiên.

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời quan chức tỉnh Sơn Đông, ông Trần Thuật Bình cho biết có những lúc việc cứu hộ gần như bế tắc khi các chuyên gia phát hiện đường ống thông hơi dùng để tiếp cận khu hầm khai thác đã bị khối lượng đất đá khổng lồ nặng hàng chục tấn lấp kín.

Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã triển khai hơn 600 thiết bị, bao gồm công cụ khoan sâu dưới lòng đất, máy dò tín hiệu sự sống và cả máy bay không người lái trong suốt 36 ngày tìm kiếm cứu hộ những thợ mỏ này.

Ông Mã Tùng Ba, chủ mỏ thạch cao Ngọc Vinh, đã nhảy xuống một ống thông hơi ngập đầy nước để tự tử sau khi tai nạn xảy ra. Chính quyền tỉnh Sơn Đông cũng đã cách chức bí thư, chủ tịch và hai phó chủ tịch huyện Bình Ấp vì tắc trách trong việc giám sát an toàn của mỏ này.

Hành trình kỳ diệu

Nhóm chuyên gia cứu hộ quyết định khoan một đường thông hơi từ mặt đất xuống nơi mà họ tin là có những thợ mỏ đang tập trung. Từ đường thông hơi này họ đưa thiết bị dò tín hiệu sự sống xuống bên dưới.

Đến ngày 30-12, những tín hiệu của sự sống đã dội về từ lòng đất. Một ngày sau đó, bốn thợ mỏ Triệu Chí Thành, Lý Cầu Thắng, Quản Khánh Lực và Hoa Minh Tập được xác định trong tình trạng sức khỏe tương đối ổn định.

Lực lượng cứu hộ quyết định gửi quần áo, thực phẩm và đèn chiếu sáng theo ống thông hơi xuống cho thợ mỏ còn sống.

Tuy nhiên, một sự cố bất ngờ xảy ra trong ngày 31-12 khi một trong những đường thông hơi bị sập và nước tràn xối xả vào bên trong, đe dọa đến tính mạng của bốn thợ mỏ vừa được phát hiện.

Những ngày sau đó, máy dò không phát hiện tín hiệu sống sót của nhóm thợ mỏ còn mất tích. Lực lượng cứu hộ khẩn trương khoan tiếp một đường ống thứ hai sâu hơn 220m có kích thước một người chui lọt, tiếp cận đường hầm dẫn vào nơi bốn thợ mỏ đang mắc kẹt.

Đường ống này phải xuyên qua các tầng đá vôi, sa thạch và thạch cao. Quá trình khoan không dễ dàng vì mũi khoan phải đi qua nhiều tầng địa chất khác nhau kèm mối nguy nước ngầm sẽ tràn vào đường ống bất cứ lúc nào nếu vỉa đá chứa nước bị xuyên thủng.

Tuy nhiên sau một tuần, mũi khoan đã đi sâu được 170m.

Song song với quá trình khoan đường ống thông hơi, lực lượng cứu hộ tiếp tục gửi nhu yếu phẩm cho bốn thợ mỏ trên, đồng thời tìm cách truyền tín hiệu động viên họ vững tâm.

Lực lượng cứu hộ đã cho thiết kế cấp tốc một lồng cứu hộ hình trụ, rộng khoảng 50cm và cao khoảng 3m để đưa xuống theo giếng thông hơi chờ cứu người một khi tiếp cận được họ.

Ngày 23-1, mũi khoan đã chạm đến đường hầm dẫn đến nơi bốn thợ mỏ bị mắc kẹt. Tuy nhiên, vì điều kiện địa chất khu vực sập hầm tiếp tục rung lắc nên phải đến đêm 29-1 công cuộc giải cứu mới được bắt đầu.

Cứ khoảng 30 phút, lực lượng cứu hộ đưa được một thợ mỏ an toàn lên mặt đất. Hình ảnh trên CCTV đưa từ bên trong khu vực hầm bị sập cho thấy bốn người đàn ông mặc đồ công nhân khai thác mỏ đang ngồi túm tụm với nhau.

Một trong bốn người nói vọng lên: “Hiện giờ tôi thấy thật an tâm. Tôi sẽ nhớ các anh (nhân viên cứu hộ) mãi mãi”.

Những vụ giải cứu tương tự

* Năm 2006, hai thợ mỏ người Úc đã được cứu thoát trong vụ sập hầm ở Beaconsfield, Tasmania sau 14 ngày bị kẹt dưới lòng đất.

* Năm 2012, có 32 thợ mỏ Chile và một thợ mỏ Bolivia đã được cứu an toàn sau 69 ngày mắc kẹt dưới mỏ San Jose.

* Năm 2015, sự cố sập hầm mỏ ở vùng Shinyanga (Tanzania) khiến 5 thợ mỏ bị chôn vùi dưới lòng đất sâu. Họ được giải cứu sau 41 ngày.

Trung Quốc là quốc gia xảy ra nhiều tai nạn hầm mỏ nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2015 có 931 người thiệt mạng trong các tai nạn này. Khoảng 15 năm trước đó, con số thợ mỏ thiệt mạng lên đến 7.000 người.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast