Libya vẫn tiếp tục giao tranh sau phiên họp Quốc hội

Các nhóm vũ trang đối địch tại Libya ngày 6/8 vẫn tiếp tục giao tranh dữ dội, đặc biệt là tại thủ đô Tripoli khiến người dân ngày càng lo ngại.

Trong khi đó, Quốc hội Libya đã họp một ngày trước đó và chọn được Chủ tịch Quốc hội mới, nhằm nỗ lực giải quyết những bế tắc chính trị, cũng như những bất ổn an ninh đang ngày càng mất kiểm soát tại nước này.

Các nhóm phiến quân đối địch đã liên tiếp tiến hành các cuộc tấn công bằng đạn pháo và rocket ở khu vực phía Nam và phía Tây thủ đô Tripoli, khiến người dân địa phương phải sống trong tình trạng lo sợ.

Phiến quân Lybia tiến vào Tripoli (Ảnh AP)
Phiến quân Lybia tiến vào Tripoli (Ảnh AP)

Các cuộc giao tranh khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng, số người thương vong tiếp tục tăng cao.

Người phát ngôn hội đồng Janzour, ngoại ô Tripoli, ông Abdul Salam Garsa cho biết: “Chúng tôi phải chịu thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của. Hơn 30 người đã bị thương. Chúng tôi đã phải gửi những người bị thương nặng tới Tunisia do các cơ sở y tế địa phương không thể đáp ứng đủ điều kiện. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh này. Những vụ tấn công như thế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý người dân địa phương, đặc biệt là đối với trẻ em”.

Trước đó một ngày, tại phiên họp chính thức đầu tiên, Quốc hội Libya đã kêu gọi đoàn kết dân tộc trong bối cảnh các nhóm vũ trang đối địch liên tiếp đụng độ để giành quyền kiểm soát đất nước.

Các cuộc giao tranh liên tiếp tại cả Tripoli và Benghazi đã khiến Quốc hội phải tổ chức phiên họp đầu tiên ở một khách sạn tại thành phố Tobruk với an ninh được kiểm soát nghiêm ngặt.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế hy vọng Quốc hội mới của Libya có thể thuyết phục các bên tham chiến về lệnh ngừng bắn và đàm phán nhằm chấm dứt những bế tắc chính trị.

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Libya Abdullah al-Thinni bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ cam kết ủng hộ Libya, nhưng bản thân Libya phải khắc phục những thách thức của chính mình.

“Những thách thức của Libya chỉ có thể do chính người Libya tự giải quyết. Nhưng chúng tôi cam kết ủng hộ Libya trong việc giải quyết những khó khăn này. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Libya, hợp tác với chính phủ Libya và sẽ đưa người của chúng tôi sớm trở lại Tripoli khi tình hình an ninh cho phép”, ông Kerry nói.

Hơn 200 người đã thiệt mạng trong những cuộc giao tranh kéo dài suốt 3 tuần qua tại Tripoli và phía Đông thành phố Benghazi. Các vụ đụng độ ở sân bay chính của Tripoli đã khiến hầu hết các chuyến bay quốc tế bị đóng cửa.

Nhiều nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao của mình ra ngoài Libya, đồng thời tiến hành hoạt động hồi hương các công dân đang sinh sống tại Libya do lo ngại an ninh.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 5/8 cho biết, khoảng 1.000 người Philippines tại Libya đã đăng ký hồi hương. Trong số này, 800 người đã trở về nước và số còn lại đang chờ đợi tại Đại sứ quán Philippines ở thủ đô Tripoli.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã nâng cảnh báo lên cấp 4- đồng nghĩa với lệnh hồi hương bắt buộc, sau khi một người Philippines bị chặt đầu tại Libya với lý do là tín đồ Thiên Chúa giáo.

Philippines cũng đã ra lệnh sơ tán các cán bộ không cần thiết cũng như những nhân viên nữ của Đại sứ quán sang Tunisia, chỉ để lại các nhân viên nam và đội phản ứng nhanh phụ trách việc hồi hương công dân.

Philippines cũng sẽ cử một chuyến tàu để đón ít nhất 700 công dân sơ tán khỏi Misrata, Benghazi và có thể cả ở Sirte quá cảnh sang Malta trước khi về nước.

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng cảnh báo đi lại đối với công dân tại quốc gia Bắc Phi này. Tính đến ngày 5/8, đã có 209 lao động Việt Nam rời khỏi Libya về nước an toàn và 182 lao động ra khỏi khu vực có xung đột là Tripoli và Benghazi.

Có khoảng 1.550 lao động Việt Nam đang làm việc tại 15 địa phương trên lãnh thổ Libya, đa số vẫn đang ở những khu vực chưa xảy ra chiến sự.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và 12 công ty, doanh nghiệp phái cử lao động sang Libya đã chuẩn bị đưa các lao động Việt Nam ở gần các khu vực nguy hiểm về nước và trong trường hợp xảy ra những diễn biến xấu, phức tạp tại Libya, sẽ rút toàn bộ./.

Theo Thùy Linh/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast