Mỗi TPP có đủ sức đẩy người lao động Mỹ vào cảnh thất nghiệp?

(Baohatinh.vn) - Với xu hướng tất yếu của sự phát triển, không thể đổ lỗi cho toàn cầu hóa hay các thỏa thuận thương mại như TPP ... là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất việc làm của người dân lao động Mỹ.

moi tpp co du suc day nguoi lao dong my vao canh that nghiep

Người lao động làm việc trong một nhà máy may ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

John Mauldin là một chuyên gia nổi tiếng về tài chính, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất trong danh sách của The New York Times và nhà bình luận trực tuyến các vấn đề tài chính và thị trường toàn cầu.

Mới đây, trang Business Insider của Mỹ đã cho đăng tải một bài bình luận của nhà kinh tế John Mauldin lập luận về việc liệu đúng hay sai, các thỏa thuận thương mại tự do, chỉ mình nó đủ sức đẩy người lao động vào cảnh thất nghiệp.

Báo Hà Tĩnh điện tử xin giới thiệu bản lược dịch bài bình luận đáng chú ý của ông John Mauldin đăng trên tờ báo uy tín của Mỹ vào hôm nay:

Tôi vừa đọc một bài báo về chính sách được đăng trên trang German Marshall Fund của Mỹ. Bài báo bảo vệ mô hình thương mại hiện nay. Các tác giả của bài viết đã lập luận rất tốt, nhưng trong quá trình này, vô tình, họ cũng gợi ra một vài vấn đề.

Hãy dành chút thời gian để đọc qua bài viết dưới đây của tôi và chú ý đến những từ khóa quan trọng được tô đậm:

Nền kinh tế toàn cầu hiện nay không còn là việc làm ra sản phẩm ở một quốc gia nào đó rồi vận chuyển và đem đi bán ở một quốc gia khác. Nó là một chuỗi cung ứng phức tạp đòi hỏi sự kết nối giữa các hoạt động toàn cầu với nhau, chuỗi cung ứng này được hỗ trợ bởi đầu tư, công nghệ và các kỹ năng không có biên giới.

Tạo ra một sân chơi công bằng không chỉ đơn thuần là việc giảm các loại thuế quan và hạn ngạch bên ngoài, nó còn là sự sắp xếp và đôi khi là sửa đổi lại những gì đã trở thành truyền thống, đã được nhìn nhận như là các chính sách bên trong nhằm ổn định ngành nông nghiệp, thúc đẩy văn hóa và bản sắc dân tộc, khuyến khích sự đổi mới, bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và đảm bảo cho các công dân có một chất lượng cuộc sống ở mức tối thiểu nhất định.

Nhóm chỉ trích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lấy lý lẽ rằng TPP không đơn thuần chỉ là một thỏa thuận “thương mại”, và họ đã đúng! Chính xác hơn, TPP là một gói các chính sách kinh tế tổng hợp, thứ sẽ giúp gia tăng khả năng tập trung một vài nền kinh tế quốc gia vào một thị trường duy nhất.

Có một vài vấn đề được đặt ra đối với những thỏa thuận toàn cầu tương tự như TPP. Trong khi những thỏa thuận thương mại thế này có thể tốt cho các nền kinh tế nói chung, nhiều công dân cho rằng “cái tốt đấy” không được phân bổ một cách đồng đều.

Đấy cũng là lý do vì sao ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump gọi những thỏa thuận tự do thương mại là “mối đe dọa đối với việc làm và nền độc lập”. Trong khi đối thủ từ phía đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, sau một vài năm ủng hộ TPP, hiện tại cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố sẽ phản đối TPP đến cùng. Cả hai ứng viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay biết sự phân bổ không đồng đều về lợi ích trên toàn cầu đã gây ra những vấn đề gì trong suốt 30 năm qua.

Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh, toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân duy nhất đẩy người lao động vào hoàn cảnh bị mất việc làm!

Robot “cướp” việc làm của hàng chục ngàn lao động, doanh nghiệp

moi tpp co du suc day nguoi lao dong my vao canh that nghiep

Robot làm việc trong các dây chuyền lắp ráp của công ty Glory Ltd ở Kazo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Nhà kinh tế John Mauldin cho biết, chúng ta thực sự đang trong quá trình đưa các ngành sản xuất trở về với Mỹ. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng cứ đem nhà máy trở lại thì việc làm cũng sẽ tăng lên.

Khi tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) đưa robot vào làm việc tại một nhà máy, họ bất ngờ thông báo giảm số lượng công nhân từ 110.000 xuống chỉ còn 50.000 công nhân. Và số người thất nghiệp do bị bobot “cướp” việc cao một cách “kinh hoàng” này mới chỉ đến từ một nhà máy!

Các loại xe tải và xe ô tô tự lái ngày càng phát triển rõ ràng sẽ đe dọa đến công ăn việc làm của những tài xế xe tải và xe taxi. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. Ước tính rằng, doanh thu ngành bảo hiểm sẽ giảm đến 75% trong những thập kỷ tới. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ hành nghề sửa chữa phương tiện vận tải ở địa phương cũng không tránh khỏi các hệ lụy do chúng ta sẽ không còn cần đến họ khi tỷ lệ tai nạn giao thông ngày càng giảm đi.

Người lao động và các doanh nghiệp buộc phải thích nghi nhanh chóng để tồn tại!

Quá trình chuyển đổi loại hình công việc từ nông trại làm ăn kiểu gia đình sang sản xuất theo hướng đô thị đã được diễn ra trong nhiều thế hệ, nhiều thập kỷ. Tuy đây là một quá trình chuyển đổi khó khăn, người ta vẫn có thời gian để thích nghi với điều đó.

Giờ đây, mọi thứ thay đổi ngày càng nhanh hơn. Để thích ứng với tốc độ thay đổi này là cả một vấn đề. Một thực trạng đáng ngạc nhiên trong thống kê về tỷ lệ tử vong ở đàn ông da trắng trong độ tuổi trung niên hiện nay đó là con số này đang ngày càng tăng lên do việc lạm dụng thuốc, rượu và căn bệnh trầm cảm.

Xu hướng phi trung gian hóa trong nền kinh tế đặt ra nhiều vấn đề hơn người ta tưởng. Nó “đánh cắp” niềm hi vọng của một cơ số nhóm người trong toàn bộ thế hệ, ở thời đại mà chúng ta đang sống. Khi công việc được trả lương của bạn bỗng nhiên bị tước mất và bạn không thể tìm được một công việc khác thay thế, cảm giác mất mát sẽ đánh vào tâm lý xem nhẹ giá trị bản thân cũng như số dư tài khoản ngân hàng của bạn.

Khi toàn bộ các ngành công nghiệp mới phát triển, nó sẽ tiếp tục tạo ra công ăn việc làm. Tuy nhiên, đây là những công việc không đòi hỏi các kỹ năng đã cũ, cái mà bạn sở hữu từ trước. Con người phải luôn luôn tập thích nghi, chỉ có điều, tốc độ đòi hỏi sự thích nghi của chúng ta ngày càng tăng lên.

Các ứng viên tranh ghế Tổng thống Mỹ năm nay về cơ bản đã đưa ra những cách khác nhau để khôi phục chính sách bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ được coi là công cụ mà mỗi bên “tung ra” nhằm chiếm ưu thế từ đối thủ khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang đi đến giai đoạn cuối cùng.

Cách duy nhất để tự bảo vệ bản thân bạn trong tương lai đó chính là phải học cách liên tục thích ứng.

Nó không chỉ đúng với những người lao động mà còn đúng với cả các doanh nghiệp. Tỷ phú trẻ Elon Musk (đồng sáng lập, kiêm CEO của Tesla Motors) có thể là một ví dụ tiêu biểu cho một doanh nhân có tầm nhìn. Nhà máy chế tạo pin Gigafactory phục vụ cho nhiều dòng sản phẩm xe điện của Tesla có thể thay đổi cả sự nghiệp kinh doanh của Elon Musk.

Tuy nhiên, tôi dám đánh cược với bạn: Bất kể loại pin do Tesla sản xuất có hình dáng ban đầu thế nào, toàn bộ quá trình thiết kế và sản xuất loại pin này sẽ liên tục thay đổi trong những năm tới. Và vào năm 2030, nhà máy của Elon sẽ trở nên lỗi thời.

Cách duy nhất để Tesla tiếp tục tồn tại đấy là học cách thích ứng. CEO Elon phải chấp nhận đứng trên ranh giới đầy khó khăn của sự đổi mới, làm mới lại một nhà máy đã lỗi thời nếu thấy cần thiết.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Business Insider.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast