Mỹ, châu Âu trừng phạt một loạt doanh nghiệp lớn của Nga

Loạt lệnh trừng phạt mới này của phương Tây nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD của Nga...

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/7 đã tung đòn trừng phạt mới nhất và mạnh nhất nhằm vào Nga do vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo đó, một loạt ngân hàng, công ty năng lượng và quốc phòng của Nga bị “dính đòn”.

Lính Ukraine đứng cạnh một người dân tại làng Semenovka, gần Sloviansk, Đông Ukraine - Ảnh: Reuters.
Lính Ukraine đứng cạnh một người dân tại làng Semenovka, gần Sloviansk, Đông Ukraine - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, trong số các công ty Nga bị Mỹ tuyên bố trừng phạt lần này gồm có công ty dầu lửa quốc doanh lớn nhất của Nga Rosneft, hãng khí đốt Novatek, ngân hàng lớn thứ ba của Nga Gazprombank, và ngân hàng phát triển kinh tế quốc doanh Vnesheconombank.

Trong khi đó, EU tuyên bố sẽ ngừng hoạt động cho vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đối với các dự án mới trong lĩnh vực công của Nga.

Loạt lệnh trừng phạt mới này của phương Tây nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD của Nga. Trước đó, Mỹ và châu Âu đã có hai đợt trừng phạt đối với Nga, nhưng chủ yếu với nội dung cấm visa và đóng băng tài sản đối với các cá nhân được cho là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Những lệnh trừng phạt này có vai trò quan trọng, đều có mục tiêu rõ ràng, và nhằm tối đa hóa ảnh hưởng đối với nền kinh tế Nga, đồng thời hạn chế ảnh hưởng bất lợi đối với các công ty của Mỹ và các nước đồng minh”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu ngày 16/7 tại Nhà Trắng.

Tại một cuộc họp báo ở Brasilia, Brazil, nơi Tổng thống Putin đang có chuyến thăm, người đứng đầu điện Kremlin gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là “chính sách gây hấn” và rốt cục sẽ làm tổn hại đến các công ty Mỹ. Ông Putin cũng nói rằng, các lệnh trừng phạt này sẽ đưa quan hệ Mỹ-Nga đi vào ngõ cụt.

Lệnh trừng phạt mới không cho phép các công ty Nga được tiếp cận với thị trường cổ phiếu hay trái phiếu của Mỹ để huy động vốn với thời gian đáo hạn quá 90 ngày. Cách này sẽ làm tăng chi phí vay vốn đối với công ty Nga, đồng thời khiến các công ty này không tiếp cận được với nguồn vốn trung và dài hạn của Mỹ. Tuy vậy, lệnh trừng phạt không cấm các công ty hay cá nhân Mỹ làm việc với các công ty Nga bị trừng phạt.

Đây được xem là động thái trả đũa của Mỹ và EU đối với điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây cho Nga duy trì tiếp tay cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này vẫn đang diễn ra ác liệt. Lầu năm góc còn cho rằng, Nga đang tập trung 10.000-12.000 quân ở biên giới Ukraine, từ chỗ chỉ có 1.000 quân trước đó. Những cáo buộc này tiếp tục bị Moscow phủ nhận.

“Tình hình ở Ukraine là không thể chấp nhận được. Sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này không được Nga tôn trọng”, Thủ tướng Anh David Cameron nói.

Với các đợt trừng phạt nối tiếp nhau, Mỹ và EU muốn khiến Nga phải trả giá đắt cho hành động của mình. Quý 2 vừa qua, nền kinh tế Nga ngấp nghé suy thoái và các dòng vốn nước ngoài chảy mạnh khỏi nước này. Tuần trước, Bộ Tài chính Nga cảnh báo, tăng trưởng GDP có thể ngưng trệ nếu các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn được áp dụng.

Giám đốc điều hành (CEO) Igor Sechin của Rosneft, hãng dầu lửa Nga bị Mỹ trừng phạt, gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là phi pháp và cho rằng, các lệnh trừng phạt này sẽ khiến các ngân hàng Mỹ làm ăn với Rosneft gặp khó khăn. Phát biểu ở Brasilia, Brazil, ông Sechin nói, Rosneft hoàn toàn có thể tự đáp ứng tài chính cho các dự án dài hạn mà không cần vay vốn, và lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng các dự án hiện nay giữa công ty này với tập đoàn Exxon của Mỹ.

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga không bị Mỹ trừng phạt đợt này.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast