Những câu hỏi đặt ra sau khi Salah Abdeslam bị bắt giữ

Nhìn từ Pháp, việc các lực lượng chức năng bắt giữ được nghi phạm Salah Abdeslam còn sống là một chiến công, cho thấy các cơ quan chức năng không bất lực giống như những gì một số cá nhân và báo chí chỉ trích thời gian qua, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Cảnh sát Bỉ phong tỏa tuyến đường dẫn tới Molenbeek trong chiến dịch truy quét khủng bố ngày 18/3. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cảnh sát Bỉ phong tỏa tuyến đường dẫn tới Molenbeek trong chiến dịch truy quét khủng bố ngày 18/3. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại sao Salah Abdeslam có thể lẩn trốn trong 4 tháng liền giữa thủ đô Brussels, tại một khu vực được cảnh sát tuần tra cẩn thận trên từng tuyến phố? Cá nhân và mạng lưới nào đã cưu mang đối tượng này trong suốt thời gian qua?

Sau 126 ngày lẩn trốn, Salah Abdeslam - đối tượng bị truy nã gắt gao nhất châu Âu- đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ chiều tối ngày 18/3 tại quận Molenbeek, thủ đô Brussels.

Nghi can Salah Abdeslam là kẻ sống sót cuối cùng trong số những tên khủng bố đã tham gia loạt vụ tấn công đẫm máu ngày 13/11/2015 tại Paris và khu ngoại ô Saint-Denis. Nghi phạm này được cho là người phụ trách công tác hậu cần và là một "mắt xích yếu".

Tuy nhiên, hắn đang nắm giữ những bí mật về việc lên kế hoạch và tổ chức loạt vụ tấn công kinh hoàng làm 130 người chết và hàng trăm người bị thương.

Salah Abdeslam bị bắt cùng với một đồng phạm được xác định là Mounir Ahmed al-Hadj, còn gọi là Amine Choukri. Đối tượng này mang thẻ căn cước của Bỉ và hộ chiếu Syria, cả hai đều là giấy tờ giả mạo. Đối tượng này đã bị kiểm tra giấy tờ lần cuối là vào ngày 3/10/2015 tại Đức cùng với Salah Abdeslam. Ba nghi phạm khác trong cùng một gia đình cũng đã bị bắt.

Sau vụ việc, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 19/3 đã triệu tập cuộc họp với các Bộ trưởng chủ chốt trong nội các, cũng như các quan chức an ninh hàng đầu nhằm đánh giá các chiến dịch chống khủng bố đang được triển khai.

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đánh giá vụ bắt giữ là một đòn giáng mạnh vào tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại châu Âu. Trong khi đó, phía Bỉ cũng đã khẳng định sẽ sớm dẫn độ Salah về Pháp để xét xử.

Cuộc vây ráp cũng đã cho thấy những kẻ cực đoan lập hang ổ khủng bố ngay giữa lòng châu Âu, các đối tượng cực đoan đông hơn những gì cảnh sát hình dung. Nhiều trong số các đối tượng này chưa bao giờ đặt chân đến Syria, chúng đã lựa chọn "chiến đấu" trong lòng châu Âu.

Các gia đình nạn nhân người Pháp cũng đã thở phào nhẹ nhõm sau khi Salah Abdeslam bị bắt giữ. Họ mong rằng Salah Abdeslam sớm được dẫn độ về Pháp và nóng lòng muốn biết việc những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch ra sao, những người đứng đằng sau các kế hoạch đó. Một thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết đại diện gia đình các nạn nhân sẽ được Tổng thống Hollande đón tiếp sáng ngày 21/3 tại điện Elysée.

Theo giới chức Pháp và Bỉ, các cuộc truy lùng và khám xét hiện vẫn đang được tiến hành bởi vì việc truy bắt được nghi phạm chính Salah Abdeslam không có nghĩa là mọi việc đã kết thúc, mà đây sẽ là cuộc chiến lâu dài.

Điều này đúng với lời tuyên bố của Tổng thống Pháp Hollande trong cuộc họp báo chung tối ngày 18/3 cùng với Thủ tướng Bỉ Charles Michel: "Chừng nào chưa bắt được hết những kẻ tham gia, đóng góp tài chính để nuôi dưỡng những kẻ khủng bố từng thực hiện cuộc tấn công tàn bạo tại Paris, thì cuộc chiến đấu vẫn chưa kết thúc".

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast